Chuyên gia hiến kế kiểm soát đà tăng giá theo lương

GD&TĐ - Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tiết chế được đà tăng giá theo lương, vai trò quan trọng nhất thuộc về các cơ quan quản lý giá.

Người dân mua hàng ở siêu thị trong bối cảnh giá cả hàng hóa ở các chợ truyền thống tăng. (Ảnh: U.P)
Người dân mua hàng ở siêu thị trong bối cảnh giá cả hàng hóa ở các chợ truyền thống tăng. (Ảnh: U.P)

Giá thực phẩm tăng nhẹ

Từ 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tức tăng khoảng 30%). Đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay.

Đi chợ dịp cuối tuần vừa qua, chị Thanh Duyên (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) phát hiện nhiều mặt hàng rau củ, gạo, thịt… đều tăng giá.

“Hiện, giá rau xà lách 70.000 đồng/kg, dưa leo 62.000 đồng/kg, đường cát từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, tăng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước… Nhưng cao hơn cả phải kể đến giá thịt heo. Giá thịt ba rọi khoảng 150.000 đồng/kg, sườn non 175.000 - 180.000 đồng/kg, nạc đùi khoảng 120.000 đồng/kg”, chị Duyên liệt kê.

Góp vào câu chuyện giá cả hàng hóa, chị Ngọc Hân (ngụ Phường 14, Quận 10) cho hay, tháng trước giá trứng 20.000 đồng/chục được rao bán khắp các khu chợ Hòa Hưng, chợ Chí Hòa… nhưng nay mức giá rẻ nhất cũng là 26.000 - 28.000 đồng/chục.

“Đụng vào thứ gì cũng thấy tăng giá, từ rau củ, trứng cho đến gạo, thịt... nên tôi tới lui mấy vòng mà vẫn chưa quyết định mua cái gì vừa phải và phù hợp, không bị thâm hụt thu chi mỗi ngày trong gia đình”, chị Hân chia sẻ.

Một số hệ thống bán lẻ lớn tại TPHCM cũng xác nhận, từ đầu quý II/2024, giá cả hàng hóa có sự biến động nhẹ ở một số nhóm hàng, chủ yếu do tác động của các yếu tố bên ngoài như tỷ giá tăng, chi phí vận hành phía nhà cung ứng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao… Tuy nhiên, đại diện một số hệ thống bán lẻ này cho biết, sẽ cố gắng kìm giá ở mức tốt nhất bằng việc ưu tiên chọn nhà cung cấp, hoặc tìm kiếm các đối tác, tăng liên kết với các hiệp hội để hàng nhập khẩu về có được mức giá cạnh tranh.

“Chúng tôi có lợi thế là hệ thống phân phối lớn, hệ thống trung tâm phân phối ở Đông - Tây Nam Bộ, miền Bắc nên thuận lợi trong việc đàm phán với nhà cung cấp, dự trữ lượng hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng”, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Vận hành chuỗi Co.opmart (thuộc Saigon Co.op), cho hay.

Về phía các doanh nghiệp, một số đơn vị cho biết, do sức mua vẫn rất yếu nên đang nỗ lực kích cầu, chấp nhận lời ít, thậm chí hòa vốn để kìm hãm giá cả hàng hóa.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua khá ổn định nên giá trứng hiện tại và thời gian tới sẽ được giữ bình ổn.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, sức mua thị trường rất thấp nên doanh nghiệp một mặt tích cực tham gia bình ổn thị trường, một mặt phối hợp cùng các hệ thống bán lẻ khuyến mãi giảm giá cho trứng gà loại 2 để kích cầu.

“Kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường lẫn niềm tin của người tiêu dùng đang giảm nên nếu không khuyến mãi thì cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều khó đạt doanh số”, ông Thiện bộc bạch.

Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 ở một số nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 0,33%.

Lương thực tăng 0,22%, thực phẩm tăng 0,33% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,36%. Một số mặt hàng ở nhóm thực phẩm có chỉ số giá tăng như giá thịt gia súc tăng 1,10%; giá thịt gia cầm tăng 0,46% do nguồn cung giảm và giá bán tại trại tăng nhẹ; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,58%; quả tươi, chế biến tăng 1,51% do thời tiết mưa nhiều và nhu cầu tăng dịp Tết Đoan Ngọ.

kiem soat da tang gia theo luong (1).jpg

Có lo lạm phát tăng?

Theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết, việc tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng thu nhập của người tiêu dùng có thể kích thích tiêu dùng làm tăng cầu sẽ tác động đến lạm phát kỳ vọng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính dự báo, khả năng lạm phát sẽ tăng, đạt khoảng 5%.

Để tiết chế được đà tăng giá theo lương, ông Hiếu cho rằng, vai trò quan trọng nhất thuộc về các cơ quan quản lý giá như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Hai đơn vị này phải quản lý chặt cơ cấu hình thành giá của một số mặt hàng thiết yếu để kiểm soát được giá bán ra thị trường.

Chuyên gia này cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Đặc biệt, tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như: Dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt, xăng dầu… Lý do, đây là các yếu tố dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo. Yếu tố nằm trong tầm quản lý của Nhà nước nên phải kiểm soát tốt”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia này cũng cho hay, chi phí vận chuyển cũng là một phần quan trọng trong rổ hàng hóa, đặc biệt các hãng hàng không. Vì vậy, các hãng hàng không cũng phải tiết giảm các chi phí, kiểm soát giá cả tốt… để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khẳng định, thành phố đã có rất nhiều kinh nghiệm qua những lần điều chỉnh, tăng lương trước đây nên sẽ kìm đà giá cả hàng hóa hiệu quả.

“Hiện nay, năng lực sản xuất, dự trữ và cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp thành phố rất mạnh, nguồn hàng dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối đa dạng, rộng khắp, năng lực logistics mạnh, cộng thêm các phương thức kinh doanh trực tuyến phát triển rất nhanh giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận nhanh chóng và trực tiếp tới nhà sản xuất.

TPHCM còn có lực lượng doanh nghiệp bình ổn thị trường mạnh, nhiều kinh nghiệm; các sở ngành, quận huyện nắm chắc tình hình thị trường, kịp thời can thiệp khi có dấu hiệu biến động”, ông Phương nói.

“Hiện, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm vừa được giảm từ 1 - 2%, cộng với hàng loạt chính sách từ Chính phủ như: Giãn hoãn nợ, giãn thời gian nộp thuế, giảm 2% giá trị gia tăng… là những công cụ giúp việc kiểm soát giá được chủ động và thuận lợi hơn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm đều có sự chuẩn bị nguyên vật liệu gối đầu cho sản xuất từ 3 - 6 tháng. Vì vậy, chúng tôi không tăng giá đột biến mà duy trì giá bán như hiện nay để tăng sức mua trên thị trường và tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ