ĐBQH cho rằng cần thiết tăng mức lương cơ sở

GD&TĐ - Các ĐBQH đồng tình với Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách...

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhận thấy, từ thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập do đưa phụ cấp công vụ 25% vào bảng lương mới, dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng bình quân 23,5%, thấp so với viên chức tăng bình quân là 54,3% và của lực lượng vũ trang tăng trên 43%.

Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và lực lượng vũ trang tăng 51,93%, đại biểu cho rằng, như vậy là chưa bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, chưa phù hợp với bảng lương mới theo dự kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc tính lương theo vị trí việc làm cần sửa đổi rất nhiều quy định về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành; đồng thời cần phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới.

Theo đại biểu, bỏ phụ cấp nghề thâm niên của một số công chức, viên chức chuyên ngành, họ rất tâm tư. Có nhiều trường hợp phụ cấp rất cao nhưng khi sắp xếp theo mức lương mới thì sẽ bị giảm rất nhiều, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn.

Đây là những vấn đề khó và phức tạp. Mặc dù hiện nay nhiều bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm, nhưng theo báo cáo còn chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa được tương đồng với nhau.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thuận việc Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách là rất cần thiết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM).

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Kết luận số 83-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị sao cho phù hợp.

Nêu dẫn chứng quá trình tăng mức lương cơ sở tác động đến lạm phát, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến: "Trong vòng 20 năm, chúng ta đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở, trong đó, năm 2005, khi tăng lương cơ sở 20,7% thì lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,4%".

Năm 2006, khi tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5 xuống 6,3%. Năm 2012, tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống còn 9,2%. Năm 2016, tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%. Và năm 2023, tăng lương cơ sở 20,8% thì lạm phát giảm còn 3,25%.

Đại biểu nhận thấy, có 2 lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%. Năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7% thì lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%.

Tuy nhiên năm 2008 và năm 2011, việc lạm phát này không chỉ do tăng lương cơ sở mà do lạm phát thế giới và giá dầu thế giới tăng, cộng với tỉ giá trong nước tăng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến một số nội dung:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá.

Thứ hai, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh phải giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 1/7/2024.

Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung hàng hóa, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất.

Thứ tư, quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, té nước theo mưa và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ