Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa Chương trình GDMN hiện hành và học tập những kinh nghiệm hay từ quốc tế. 

Nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm xây dựng Chương trình GDMN mới.
Nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm xây dựng Chương trình GDMN mới.

Cùng đồng hành

Tại Hội thảo kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới, Ban biên soạn đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao từ trong nước và quốc tế.

Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Christophe Lemiere cho rằng: Hội thảo hôm nay bàn luận kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng Chương trình GDMN. Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc đảm bảo, không những cha mẹ mà trẻ em, cũng được hưởng lợi từ phát triển kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đầu tư vào GDMN, trẻ mầm non được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Ông Christophe Lemiere, quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Ông Christophe Lemiere, quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Đầu tư vào GDMN là một trong những cách tốt nhất để đầu tư phát triển, khi cha mẹ có thời gian tốt hơn cho công việc sẽ góp phần tăng hiệu quả lao động. Ở Việt Nam để trẻ có được môi trường giáo dục tốt, chúng ta cần tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, biết cách thể hiện bản thân mình.

Để thực hiện tốt điều này, ngoài Chương trình GDMN chung, chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ cho phát triển GDMN. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động phát triển con người trong đó có phát triển GDMN, ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.

Bà Lesley Miller – Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam.

Bà Lesley Miller – Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam.

Bà Lesley Miller – Phó Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết: UNICEF đã đồng hành cùng ngành GD&ĐT giải quyết những vấn đề khủng hoảng từ đại dịch Covid -19. Giáo dục mầm non có ý nghĩa quan trọng vô cùng lớn.

Những năm đầu đời, trẻ cần được trang bị kỹ năng học đọc, viết và cần được hỗ trợ kỹ năng hình thành quá trình học tập sau này. Việt Nam đang hồi phục ngành học GDMN, Bộ GD&DT và các đối tác nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về GDMN và giáo dục nói chung.

UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng Chương trình GDMN mới để hành trình có nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Đến nay, GDMN đã đạt được nhiều kết quả. Chúng ta đã giúp trẻ hình thành giá trị cốt lõi của GDMN và GD mới sẽ được xây dựng hướng tới những điều tốt đẹp hơn nữa. UNICEF sẽ cùng đồng hành với Bộ GD&ĐT nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra trong phát triển GDMN, đảm bảo trẻ có đủ sức khỏe thể chất và tinh thần, phát triển từ những năm đầu đời và tiểu học, giáo dục phổ thông sau này.

"Thông điệp của UNICEF là cần chú trọng tính công bằng trong giáo dục. Trẻ ở trường được tiếp thu văn hóa môi trường. Trẻ được học tốt ngôn ngữ thứ nhất sẽ tốt hơn với ngôn ngữ thứ 2 và thứ 3. Cần tạo điều kiện tốt hơn để trẻ được học trong môi trường song ngữ với tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi khuyến nghị đầu tư để nâng cao chất lượng GDMN mới, chú trọng nhiều hơn tính tương tác. Trẻ làm trung tâm trong hoạt động giáo dục với vai trò hỗ trợ của giáo viên. Cần tăng cường đào tạo giáo viên kỹ năng sư phạm, cảm xúc" - Bà Lesley Miller.

Kế thừa kinh nghiệm hay

Nêu quan điểm xây dựng Chương trình GDMN mới, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban biên soạn cho rằng: Chương trình GDMN mới kế thừa những ưu điểm của Chương trình GDMN trước đây, vận dụng thành tựu đổi mới Chương trình GDMN trên thế giới, phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Chương trình GDMN thể hiện mục tiêu, làm căn cứ cho việc quản lí, chỉ đạo, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn và giáo dục trẻ em mầm non trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt nhấn mạnh đến tính mở của Chương trình, GS Lê Anh Vinh cho rằng: Kế thừa chương trình hiện hành và tiếp cận với GDPT 2018, chương trình sẽ giao quyền mạnh hơn cho địa phương; thể hiện rõ quan điểm, đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng cho cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục mầm non. "Các điều kiện đảm bảo và hướng dẫn thực hiện Chương trình là những nội dung vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo khả năng thành công của chương trình nên quá trình xây dựng mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để dự thảo được hoàn thiện tốt nhất", GS Lê Anh Vinh bày tỏ.

GS Lê Anh Vinh : Chương trình kế thừa hiện hành và tiếp cận với GDPT 2018, giao quyền mạnh hơn cho địa phương.

GS Lê Anh Vinh : Chương trình kế thừa hiện hành và tiếp cận với GDPT 2018, giao quyền mạnh hơn cho địa phương.

Tiến sĩ Aija Rinkinen, chuyên gia cao cấp về giáo dục tại Ngân hàng Thế giới, với kinh nghiệm là cố vấn cao cấp Bộ trưởng Bộ GD&VH (Phần Lan), chịu trách nhiệm về hoạch định chiến lược và triển khai chính sách giáo dục cho rằng: Chúng ta đều biết thời thơ ấu là phát triển và học tập. Đây là giai đoạn phát triển của trẻ em. GDMN chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng đi học và có kết quả tốt ở tiểu học và các cấp cao hơn.

Chương trình GDMN ở Phần Lan chú trọng việc học thông qua chơi. Đảm bảo cơ hội bình đẳng, hỗ trợ từng cá nhân, đồng thời thúc đẩy học tập suốt đời và phát triển khả năng của trẻ dựa vào sự phù hợp đối với từng lứa tuổi. Đây không phải là dịch vụ chăm sóc đơn thuần để cha mẹ đi làm. Thay vào đó, chúng tôi có triết lí giáo dục và lấy sự phát triển của trẻ làm trung tâm, nơi mà chăm sóc và phát triển được xây dựng thành phương pháp. Giáo viên cần bồi dưỡng liên tục, xác định các nhu cầu của trẻ, có sự hỗ trợ liên tục đối với trẻ.

Hội thảo “Kinh nghiệm quốc gia và quốc tế xây dựng chương trình GDMN” là diễn đàn trao đổi và tiếp thu bài học kinh nghiệm về xây dựng Chương trình GDMN mới ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện một số Bộ, ngành; Ngân hàng Thế giới; các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo giáo viên mầm non; Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký, Ban soạn thảo chương trình giáo dục mầm non; các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ