Chuyên gia góp ý chính sách quản lý liên kết quốc tế trong đào tạo

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Phiên họp ‘Chính sách quản lý liên kết quốc tế trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học’.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.

Phiên họp do Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức - chiều 31/10.

Vẫn còn khó khăn vướng mắc

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, hơn 20 năm hợp tác, liên kết với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từ chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cơ hội hợp tác, đầu tư.

Theo Thứ trưởng, Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã quy định việc liên kết đào tạo với nước ngoài. Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định việc quản lý hoạt động cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc liên kết của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Ngày 5/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Những hành lang pháp lý đã được quy định rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết với nước ngoài trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, cần giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả của liên kết đào tạo với nước ngoài. Ngoài ra, cần có quy định chi tiết và rõ ràng hơn trong tuyển sinh, đào tạo để hướng dẫn chi tiết cho các trường thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

lienketdaotao-1.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng giới thiệu dự thảo Thông tư Quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Báo cáo tại Phiên họp, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, tính đến tháng 12/2023, cả nước có gần 340 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; trong đó có 230 chương trình cử nhân, 101 chương trình thạc sĩ và 7 chương trình tiến sĩ.

Thực tế cho thấy, một số cơ sở đào tạo chưa bám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng khi triển khai. Điều kiện tuyển sinh thấp hơn so với các chương trình đào tạo trong nước ở cùng ngành, cùng cơ sở giáo dục đại học. Có đơn vị mập mờ giữa hợp tác quốc tế trong đào tạo với liên kết đào tạo với nước ngoài, “bản địa hóa” tối đa đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và cơ sở vật chất.

Vô hình trung làm giảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo so với chương trình được triển khai tại cơ sở đối tác nước ngoài, không lan tỏa được chất lượng đào tạo cho các chương trình trong nước, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên.

Cần thiết ban hành thông tư hướng dẫn

Chia sẻ về dự thảo Thông tư Quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (dự thảo Thông tư), Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, Thông tư này quy định về hình thức liên kết, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng trong liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Thông tư áp dụng đối với các đại học, trường đại học, cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (cơ sở giáo dục đại học Việt Nam), các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, cá nhân nước ngoài có liên quan.

lienketdaotao-7.jpg
Ông Nguyễn Xuân Vang góp ý tại phiên họp.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành thông tư trên, ông Nguyễn Xuân Vang - nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với Nước ngoài (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần có điều chỉnh phù hợp các quy định hiện hành để khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng cơ hội hợp tác, phù hợp với xu hướng quốc tế hóa giáo dục.

Việc xây dựng khung pháp lý cho liên kết đào tạo là cần thiết nhưng cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo để không tạo rào cản cho sự phát triển của giáo dục đại học tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các cơ sở giáo dục uy tín từ nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo ông ông Nguyễn Xuân Vang, cần nhìn nhận rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học cần dựa trên tự chủ, sáng tạo và nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục trong nước.

Các cơ chế, chính sách hiện tại, mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn những bất cập cần điều chỉnh. Việc đa dạng hóa các chương trình liên kết đào tạo và khuyến khích sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học uy tín từ nước ngoài sẽ không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn giúp Việt Nam từng bước hội nhập mạnh mẽ hơn vào mạng lưới giáo dục toàn cầu.

Để thực hiện được điều này, cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học. Qua đó, nhằm tạo môi trường thuận lợi và minh bạch cho hoạt động liên kết đào tạo, hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho các cơ sở giáo dục mà còn cho toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.

lienketdaotao-6.jpg
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ cho ý kiến tại phiên họp.

Góp ý tại Phiên họp, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng cho biết, dự thảo cần giải quyết được những vấn đề bất cập hiện nay, đó là: Xây dựng chương trình liên kết theo hướng mở, hội nhập; Thống nhất trong kiểm định chất lượng; Thực hiện đúng hướng tinh thần Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Nâng cao vai trò tự chủ, năng lực quản lý của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; Phù hợp với nguồn lực, điều kiện của Việt Nam; Bảo vệ quyền lợi của người học.

Ủng hộ và đánh giá cao định hướng soạn thảo thông tư, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên kiến nghị, dự thảo thông tư bên cạnh những quy định chi tiết, cần nhấn mạnh về đa dạng văn hóa, hiểu biểu của nhau giữa sinh viên và giảng viên các nước; tiếp cận giáo dục mở nhưng phải chặt chẽ về dạy, học và quản lý liên kết đào tạo.

lienketdaotao-2.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị tổ soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Thông tư. Những nội dung gì đã “chín”, rõ thì có thể đưa vào dự thảo nhưng không nóng vội. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở đào tạo cần có báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong vấn đề liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư và có thể sửa Luật giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.