Đó là tư vấn của TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại chương trình Toạ đàm "Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?"
Khắc phục rào cản
Theo TS Nguyễn Quang Thuận, Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về liên kết đào tạo với nước ngoài, tạo ra hành lang pháp lý tốt cho các cơ sở giáo dục giáo dục đại học triển khai hoạt động.
“Đặc biệt, tôi đánh giá cao Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc tích hợp giữa hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp học và đào tạo trực tuyến đã bắt kịp xu thế thế giới, mang đến những trải nghiệm mới, linh hoạt, thuận tiện cho người học” - TS Nguyễn Quang Thuận ghi nhận.
Một trong những khó khăn mà Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói riêng và các trường đại học nói chung gặp phải khi triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là "rào cản" ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đầu vào.
Theo TS Nguyễn Quang Thuận, để được cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (từ IELTS 5.5 trở lên với tiếng Anh). Tuy nhiên, hiện nhiều thí sinh không đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu này.
Khắc phục khó khăn, Trường Quốc tế có Khoa Ngôn ngữ ứng dụng, tập trung đào tạo sinh viên khi chưa đủ điều kiện đầu vào tiếng Anh, TS Nguyễn Quang Thuận cho hay.
TS Nguyễn Quang Thuận trao đổi tại chương trình toạ đàm "Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. Ảnh: Xuân Tùng. |
Chú ý khâu kiểm định chất lượng
Bên cạnh các văn bản pháp lý, ĐH Quốc gia Hà Nội thành lập 2 Ban: Ban Đào tạo và Ban Hợp tác phát triển. Các Ban này tập trung giám sát, đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo trong ĐH Quốc gia Hà Nội theo quy định của pháp luật. Do vậy, muốn thành lập một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài phải đáp ứng được các tiêu chí của Bộ GD&ĐT cùng nhà trường đề ra.
Nghị định 86/2018/NĐ-CP đang tập trung vào các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài nhưng tổ chức tại Việt Nam, chưa có quy định, quy chế rõ ràng cho các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tổ chức tại nước ngoài. “Hy vọng, trong tương lai, các cơ sở giáo dục sẽ thuận lợi hơn trong việc mở các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tổ chức tại nước ngoài” - TS Nguyễn Quang Thuận bày tỏ.
Để chọn được chương trình liên kết đào tạo quốc tế đảm bảo chất lượng, được Bộ GD&ĐT công nhận, TS Nguyễn Quang Thuận khuyến cáo, học sinh và phụ huynh cần dành thời gian tìm hiểu, cân nhắc lựa chọn chương trình liên kết thích hợp, cân bằng giữa đầu tư và chất lượng, có thể tạo lợi thế cạnh tranh khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, khi chọn trường liên kết phải quan tâm đến khâu kiểm định chất lượng, có xếp hạng càng cao càng tốt. Nếu chất lượng không tốt thì tấm bằng tốt nghiệp sẽ không có giá trị.
Người học nên vào web của trường nước ngoài để xem kết quả xếp hạng và kiểm định. Tiếp đó đánh giá độ uy tín của trường đại học ở Việt Nam. Nếu 2 bên liên kết đều là những trường đạt chuẩn chất lượng thì học sinh có thể tham gia đăng ký theo học.
Ngoài ra, người học phải tìm hiểu kỹ cơ hội nghề nghiệp, hội học tiếp ở trình độ cao hơn; thông tin về chi phí… Bất cứ trường nào cũng có cộng đồng những người đã tốt nghiệp và đi làm, đó là kênh tiếp nhận thông tin tốt cho người học.
TS Nguyễn Quang Thuận.