Chương trình liên kết đào tạo mang tới cơ hội làm việc đa quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chương trình liên kết đào tạo mang lại cho sinh viên cơ hội rèn luyện khả năng tiếng Anh và môi trường học tập quốc tế...

Nhật Linh là sinh viên duy nhất của khóa I16MT đạt bằng Xuất sắc cho năm học tại Việt Nam theo Chương trình IBD@NEU.
Nhật Linh là sinh viên duy nhất của khóa I16MT đạt bằng Xuất sắc cho năm học tại Việt Nam theo Chương trình IBD@NEU.

Các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và cơ sở nước ngoài mang lại cho sinh viên cơ hội rèn luyện khả năng tiếng Anh và môi trường học tập quốc tế. Tuy nhiên, để học tốt chương trình này đòi hỏi sinh viên phát huy tính chủ động và tinh thần tự học.

Mở rộng cơ hội việc làm

Những ngày này, Nguyễn Nhật Linh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Hà Nội, đang gấp rút chuẩn bị thủ tục để lên đường sang Anh học tập theo Chương trình liên kết quốc tế IBD@NEU. Nhật Linh là sinh viên duy nhất khóa I16MT đạt bằng Distinction BTEC-HND (Xuất sắc) cho năm học tại Việt Nam.

Chương trình liên kết IBD@NEU có 6 ngành học trong khối ngành kinh tế. Nhật Linh theo học ngành Kinh doanh và Marketing (BA B&M) liên kết giữa NEU và Đại học TH Coventry, Anh. Nếu học toàn thời gian ở Việt Nam, Nhật Linh sẽ nhận bằng Cử nhân ngành BA B&M của Đại học Coventry. Còn nếu lựa chọn học chuyển tiếp tại Anh, em có thể chọn nhiều trường đại học khác nhau hiện đang hợp tác với IBD@NEU.

Chia sẻ về lý do lựa chọn mô hình học tập này, Nhật Linh nói: “Từ trước khi chọn trường đại học, em đã mong muốn học tập trong môi trường quốc tế vì có định hướng sẽ làm việc trong các công ty đa quốc gia. NEU vốn có tiếng trong lĩnh vực kinh tế và marketing. Ngoài ra, em còn được gặp gỡ các anh chị sinh viên IBD và thấy được sự năng động, thoải mái ở họ. Vì vậy, vào thời điểm điền nguyện vọng đại học, em đã đặt IBD@NEU là nguyện vọng 1”.

Nhật Linh đánh giá, vì được liên kết với một trường đại học nước ngoài nổi tiếng, nội dung đào tạo theo Chương trình IBD@NEU là kiến thức kinh tế toàn cầu, giúp sinh viên theo kịp và nắm bắt được tình hình chung của thế giới hiện nay. Bên cạnh trau dồi kiến thức, sinh viên được tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng mềm…

Tương tự Nhật Linh, Tống Hà My, 20 tuổi, chọn theo học Chương trình Cử nhân quốc tế chuyên ngành Thương mại điện tử và Marketing số, liên kết giữa Trường Đại học Thương mại và Đại học Toulon, Pháp, với mong muốn làm việc trong môi trường quốc tế.

“Sau khi tốt nghiệp, em sẽ nhận bằng Cử nhân của Đại học Toulon, được quốc tế công nhận nên em có cơ hội tìm việc làm ở các quốc gia Đông Nam Á. Hơn nữa, sau thời gian đào tạo theo mô hình quốc tế, em cũng tự tin hơn vào khả năng giao tiếp và làm việc bằng tiếng Anh”, Hà My cho hay.

Khi chuẩn bị điều kiện dự tuyển, Linh cho biết em chú trọng học Tiếng Anh để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, sớm bắt nhịp với chương trình đào tạo quốc tế. Bên cạnh đó là xây dựng một học bạ THPT “đẹp” với điểm tổng kết học kỳ luôn ở mức khá trở lên vì khi chọn xét tuyển theo phương thức học bạ, kết quả học tập tốt là một yếu tố cạnh tranh.

Đoàn lãnh đạo cấp cao Đại học De Montfont chụp ảnh lưu niệm của sinh viên Trường Đại học Hoa Sen, TPHCM.
Đoàn lãnh đạo cấp cao Đại học De Montfont chụp ảnh lưu niệm của sinh viên Trường Đại học Hoa Sen, TPHCM.

Rèn luyện tính tự tin, chủ động

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đến năm 2022, có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Xét tỉ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài thì hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý; 25% là chương trình liên quan đến khoa học công nghệ và 10% là chương trình của các khối ngành khác.

Xét về trình độ đào tạo, các chương trình chủ yếu là đại học, rất ít chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Quốc gia hiện nay có nhiều chương trình ở Việt Nam như Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand...

TS Đoàn Minh Châu, Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen, TPHCM, thông tin, Trường ĐH Hoa Sen đang độc quyền đào tạo Chương trình liên kết quốc tế với Đại học De Montfort, Vương quốc Anh. Chương trình tuyển sinh vào tháng 10 với các chuyên ngành cử nhân Kinh doanh Quốc tế, Marketing, Kế toán (Top up).

Chương trình liên kết quốc tế có nhiều điểm khác biệt và độc đáo. Tại Trường Đại học Hoa Sen, sinh viên Việt Nam học bằng tiếng Anh, sau khi hoàn thành chương trình sẽ được cấp bằng Cử nhân của Đại học De Montfort, nằm trong top 5 trường tốt nhất Vương quốc Anh do Tổ chức QS bình chọn. Sinh viên còn có cơ hội trao đổi tại các cơ sở đào tạo của Đại học De Montfort trên toàn thế giới nhưng chi phí phù hợp hơn so với đi du học…

Theo TS Châu, những năm qua, Trường Đại học Hoa Sen đã có nhiều chính sách thu hút người học tham gia các chương trình liên kết như trao học bổng, ưu đãi học phí trọn gói, trả góp học phí... Nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng thực hành... để sinh viên tăng trải nghiệm trong học tập.

TS Dương Tuấn Tùng, Phó Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết đặc thù của Khoa Đào tạo Quốc tế so với các chương trình đào tạo khác là sinh viên sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật. Vì vậy, ban đầu, ít nhiều sinh viên sẽ cảm thấy khó theo học. Tuy nhiên, nếu quyết tâm trau dồi và thường xuyên sử dụng tiếng Anh, các em sẽ thấy chương trình học nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức để trau dồi tiếng Anh và bổ sung kiến thức chuyên ngành. Các hoạt động có thể kể đến như trợ giảng, tham quan doanh nghiệp, học tập trực tiếp từ doanh nghiệp... Trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh hãy tham khảo thông tin về chương trình học trên trang web của nhà trường từ yêu cầu đầu vào, mức học phí... để chuẩn bị điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình.

Là cựu học sinh lớp Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Thái Bình (Thái Bình), sau khi tốt nghiệp THPT năm 2016, Trịnh Khánh Linh, 26 tuổi, quyết định đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH FPT (Hà Nội) và ĐH Greenwich (Anh). Hiện tại, Linh làm truyền thông cho một công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Cô đánh giá yêu cầu tuyển sinh cho chương trình liên kết không quá khắt khe nhưng thí sinh phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương 6.0 IELTS.

Theo Linh, theo học chương trình liên kết quốc tế, sinh viên cần đầu tiên là nền tảng ngoại ngữ tốt để nghe hiểu và giao tiếp bằng tiếng Anh. Nếu nền tảng chưa tốt, trong thời gian học chuẩn bị tiếng Anh, sinh viên cần nghiêm túc, nỗ lực bởi nếu không có ngoại ngữ sẽ rất khó theo kịp nội dung chương trình. Ngoài ra, các bạn cần xây dựng tâm thế tự tin, tự lập vì chương trình học quốc tế yêu cầu tính chủ động rất cao. Sinh viên phải có kỹ năng tự học, tự tìm hiểu kiến thức mới để lên lớp có thể thảo luận với thầy cô thay vì ngồi nghe giảng một chiều.

“Nếu có cơ hội, các bạn hãy học chuyển tiếp tại nước ngoài vì đây là một trải nghiệm quý báu, giúp các bạn mở mang kiến thức và trau dồi kinh nghiệm thực tế”, Khánh Linh cho hay.

TS Đoàn Minh Châu, Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen, nhìn nhận: “Các chương trình liên kết quốc tế không chỉ mang lại lợi ích cho người học, mà còn giúp các trường đại học cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục hạn chế để hội nhập và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ