Chuyên gia hiến kế phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Các chuyên gia chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết về bạo lực học đường, đồng thời khuyến cáo một số giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

Ảnh minh hoạ/internet.
Ảnh minh hoạ/internet.

Dấu hiệu nhận biết bạo lực học đường

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý giáo dục - khuyến cáo, phụ huynh có thể nhận biết bằng một số dấu hiệu biểu hiện bất thường hàng ngày ở con. Chẳng hạn như: con tỏ ra rụt rè, sợ sệt trong quan hệ giao tiếp với mọi người, đặc biệt là với người lạ. Ngoài ra, con rất hay nói về một bạn với thái độ bực tức, ghét bỏ. Lực học của con tự nhiên giảm sút. Con không tập trung chú ý và không thích đi học.

“Có thể con bạn đồng thời diễn ra các biểu hiện như trên, nhưng cũng có thể diễn ra một trong những biểu hiện trên. Vì vậy, phụ huynh cần thường xuyên theo sát các con, có những cảm nhận nhanh nhậy, tinh tế. Tránh tình trạng các biểu hiện này diễn ra lâu, làm con bạn đã thay đổi hẳn trạng thái tâm lý thì việc can thiệp của các nhà tư vấn tâm lý sẽ khó khăn hơn”- PGS.TS Trần Thị Minh Hằng trao đổi.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường; trong đó có nguyên nhân từ chính tác động của đại dịch Covid-19 và học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Các em có thời gian rất dài học trực tuyến, không được giao lưu với thầy cô, bạn bè nên kỹ năng sống cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cần nhìn thẳng vào sự thật là, một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình.

Ảnh minh hoạ/internet

Ảnh minh hoạ/internet

Giáo dục và phát triển kỹ năng cho học sinh

Để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội.

Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em của mình. “Chúng ta đã có Luật An ninh mạng nhưng cần rà soát và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn nữa” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế - nhấn mạnh, cần gắn phòng, chống bạo lực học đường với việc thực hiện các nội dung giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong đó, cần củng cố, phân công trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, các ban, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp trong công tác quản lí, giáo dục đạo đức học sinh.

Trong đó, chú trọng công tác quản lý học sinh, nắm tình hình thông qua hòm thư giúp bạn, hòm thư góp ý. Đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử, mã định danh học sinh, mã QR ... để phòng ngừa những hành vi mang tính bạo lực. Cùng với đó, có những giải pháp giáo dục thích hợp với từng đối tượng học sinh; trong đó chú trọng công tác phòng ngừa để ngăn chặn tình trạng bạo lực xảy ra.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó, hình thành cho các em kỹ năng thể hiện bản thân trong cuộc sống. Việc này cũng cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường.

Khi phát hiện nhóm học sinh tẩy chay lẫn nhau, giáo viên chủ nhiệm nên gặp riêng từng nhóm để tìm hiểu tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của các em. Sau đó, giải thích, giảng hòa giữa các nhóm. Đồng thời tổ chức các hoạt động để các nhóm cùng tham gia, xóa khoảng cách cách biệt giữa học sinh với nhau.

Bộ GD&ĐT cho biết: để phòng, chống bạo lực học đường, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các chỉ thị, kế hoạch hành động về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và gia đình học sinh về phòng, chống bạo lực học đường.

Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường. Việc này có thể lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội thông qua các hình thức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương tốt, đề cao sự gương mẫu của người thầy. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của các phòng tư vấn tâm lý.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu về tâm lý học đường đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không bạo lực học đường. Trong đó, các cơ quan quản lý cần có nhiều chính sách đồng bộ, phối hợp để nâng cao nhận thức. Từ đó, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và điều kiện để các cơ sở giáo dục được tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo… Mặt khác, triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục giá trị văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng phòng, tránh bạo lực học đường cho giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ