Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định dự và chủ trì Hội thảo.
Về phía chuyên gia còn có Nhà báo Dương Thanh Hương – Phó tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, bà Phạm Bình Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhân sự (HRA), bà Đặng Quyên - Trưởng phòng hợp tác Đại học Anh quốc Việt Nam - BUV; TS. Trương Thị Hoa, Khoa Tâm lý Giáo dục học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội)… Cùng đại diện các sở GD&ĐT, sở Khoa học Công nghệ; Ban Giám hiệu các trường THPT.
Chọn đúng nghề để tránh lãng phí nhiều điều quý giá
Mở đầu hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - Nguyễn Văn Phê thông tin về những kết quả triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức giáo dục hướng nghiệp để phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT tỉnh Hưng Yên”.
Cụ thể là thông tin về nhiều hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp tại Hưng Yên và kinh nghiệm từ nhiều sở GD&ĐT có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó là vai trò chuyên gia, giáo viên, doanh nghiệp… về thay đổi cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của người học nếu chọn nghề nghiệp không phù hợp.
Chia sẻ tại Hội thảo, nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, hiện nay vấn đề khiến xã hội trăn trở là các em sinh viên vào đại học rồi mới biết mình chọn sai ngành, thậm chí là ra trường đi làm rồi mới nhận ra làm trái ngành...
Đáng lo ngại hơn các con số này qua nhiều năm vẫn ở mức cao trên dưới 60%. “Việc đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh giai đoạn quan trọng nhất là cấp THPT…”, Nhà báo Dương Thanh Hương nhấn mạnh.
Nhà báo Dương Thanh Hương cũng cho biết, Báo Giáo dục và Thời đại đã và đang đồng hành cùng các Sở GD&ĐT Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội và hôm nay là cùng 2 sở GD&ĐT Nam Định và Hưng Yên trong công tác hướng nghiệp tại các trường THPT.
Nhà báo Dương Thanh Hương đánh giá cao đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức giáo dục hướng nghiệp để phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp của học sinh THPT tỉnh Hưng Yên”.
“Đề tài là bước mở ra định hướng, lan tỏa giáo dục nghề nghiệp tốt cho học sinh, đặc biệt là học sinh THPT. Trong đó có vai trò quan trọng của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh, vai trò của đội ngũ các thầy cô nhất là giáo viên chủ nhiệm theo sát các em, hiểu tính cách, năng lực và hoàn cảnh gia đình của các em trong suốt những năm học THPT…”, bà Thanh Hương nhấn mạnh.
Báo cáo về kết quả đề tài, ông Phan Xuân Quyết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, đây là hội thảo thứ 3 triển khai nghiên cứu đề án.
Theo ông Quyết, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của đề tài như: Khảo sát thực trạng công tác GD hướng nghiệp tại trường THPT, đánh giá thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân những hạn chế. Bên cạnh đó, đề xuất bộ giải pháp, tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Ông Quyết cũng chỉ ra những hạn chế như: Nhà trường chưa đầu tư nhân lực và vật lực cho GD hướng nghiệp; Kinh phí dành cho hoạt động GD hướng nghiệp còn hạn hẹp; Sĩ số lớp đông, khó tiếp cận đến từng HS…
Bởi vậy, Sở GD&ĐT Hưng Yên đã xây dựng bộ giải pháp hoàn chỉnh nhằm nâng cao chất lượng GD hướng nghiệp và phân luồng tại trường THPT.
“Với bộ giải pháp đã xây dựng, áp dụng linh hoạt và sáng tạo với từng trường THPT, thì chất lượng GD hướng nghiệp và phân luồng sẽ đáp ứng được mục tiêu đề án. Bộ giải pháp không dừng lại trong phạm vi hội thảo, mà sẽ được lan tỏa và áp dụng không chỉ tại Hưng Yên mà còn mở rộng ra toàn quốc…”, ông Quyết bày tỏ.
Tham luận với chủ đề: Công tác quản lý giáo dục hướng nghiệp và khởi nghiệp trường THPT, thầy Nguyễn Trọng Khải – Phó Hiệu trưởng trường THPT Hưng Yên (Hưng Yên) nhấn mạnh, hướng nghiệp và khởi nghiệp không những đóng góp vai trò rất quan trọng đối với mỗi cá nhân các em mà còn có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi gia đình và đối với sự phát triển của xã hội cũng như mỗi quốc gia.
Thầy Khải cho biết, nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong năm học. Triển khai tốt các hoạt động cụ thể theo các hướng như giáo dục qua bộ môn văn hóa, môn công nghệ, dạy nghề khối 11…
Nhà trường thực hiện tốt kết nối học sinh với các cơ sở hướng nghiệp, các đơn vị đào tạo để trực tiếp tiến hành các hoạt động tư vấn cho học sinh như: Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục NoVa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học FPT, Trường Đại học Anh Quốc…
Còn thầy Lưu Minh Nam - Hiệu trưởng THPT Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, hiện nay chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường THPT thực hiện thông qua các môn khoa học cơ bản, chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa, môn công nghệ và lao động sản xuất, tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp…
“Mục đích chung là hình thành sự hứng thú, khuynh hướng và năng lực nghề cho học sinh. Trên cơ sở đó để thực hiện kế hoạch, định hướng phân luồng học sinh tại các trường THPT…”, thầy Nam lý giải.
Theo thầy Nam, nhà trường xây dựng mô hình Ban hướng nghiệp nhà trường. Trong đó, giao nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về hướng nghiệp, phân loại nghề… Đặc biệt, nguyên tắc và các bước lựa chọn trường phù hợp.
Còn thầy Vũ Thanh Bình - Hiệu trưởng trường THPT Tiên Lữ (Hưng Yên) thì chia sẻ, cùng với đa dạng, linh hoạt các hình thức tổ chức hoạt động GD hướng nghiệp cho học sinh phù hợp với điều kiện cụ thể.
Trường THPT Tiên Lữ còn kết hợp trong “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp”, “Hội nghị tư vấn hướng nghiệp”, trải nghiệm đến các trường cao đẳng, trường nghề, tổ chức các giờ sinh hoạt trên lớp, hướng nghiệp đến với phụ huynh…
Nhấn mạnh vai trò giáo viên và phụ huynh trong hướng nghiệp
Thầy Bùi Thái Học - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) cho biết, nhà trường chú trọng đặc biệt đến công tác giáo dục hướng nghiệp. Trong đó, thành lập Ban hướng nghiệp, lực lượng hỗ trợ hướng nghiệp.
Còn cô Trần Thị Mai - Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Lộc (Nam Định) cho biết, nếu như trước đây nhà trường mời các chuyên gia, trường đại học tư vấn giáo dục hướng nghiệp. Đến nay, Nhà trường kết hợp nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp.
Trong đó, tổ chức Hội trại hướng nghiệp, thăm quan trải nghiệm thực tế, thăm qua học tập tại các trường đại học và tam giác hướng nghiệp (mô hình liên kết: Trường đại học, trường THPT và doanh nghiệp). Cùng với đó, Nhà trường tự tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Đánh giá cao 6 tham luận đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Nam Định, TS. Trương Thị Hoa, Khoa Tâm lý Giáo dục học (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò giáo viên và phụ huynh học sinh trong giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Theo TS. Hoa, từng giờ lên lớp từng giờ sinh hoạt thầy cô hoàn toàn lồng ghép chương trình hướng nghiệp cho học sinh.
“Qua các buổi hướng nghiệp, thầy cô tổ chức hướng nghiệp ngay trong giờ sinh hoạt, lộ trình nội dung hướng nghiệp cho học sinh… Với 3 vấn đề cơ bản trong giáo dục hướng nghiệp là giúp học sinh hiểu bản thân, hiểu ngành nghề và lập kế hoạch ngành nghề…”, TS Hoa chia sẻ.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên đánh giá cao 6 tham luận đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Nam Định và từ các chuyên gia.
“Các ý kiến, giải pháp tại tham luận giúp Sở GD&ĐT Hưng Yên có thêm tổng hợp nội dung sát với đề án giúp học sinh hiểu đúng về nghề nghiệp. Chọn nghề chứ không phải vào hay không vào đại học. Chọn nghề có trình độ đào tạo nào phù hợp với học sinh, tránh xu hướng “thừa thầy thiếu thợ”. Góp phần nâng cao chất lượng ngành giáo dục và đào tạo Hưng Yên…”, ông Phê nhấn mạnh.