Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng tân học sinh lớp 1

GD&TĐ - Năm học mới đã chính thức bắt đầu được hơn 2 tuần. Những bỡ ngỡ, lo lắng của lứa học sinh năm thứ nhất bậc tiểu học như vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có xu hướng "tăng nhẹ" ở một bộ phận học sinh vì chưa kịp thích nghi với môi trường học tập mới với những kỷ luật, nền nếp và kiến thức mới.

Cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy cô...
Cùng với sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy cô...

Thấu hiểu và cảm thông với những "tân học sinh" vừa tốt nghiệp mẫu giáo, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ một số "chiêu" hay giúp phụ huynh có thể đồng hành, động viên con kịp thời trong giai đoạn "vạn sự khởi đầu nan" của các con lớp 1.

1. Hỏi han tân học sinh

Mỗi ngày về nhà sau buổi học, cha mẹ rất cần hỏi han tình hình chung của con. Dĩ nhiên, câu hỏi đặc thù sẽ cho chúng ta những câu trả lời đặc thù. Các cha mẹ chú ý, những câu hỏi như sau sẽ không nhận được câu trả lời thỏa mãn đâu các bố mẹ nhé. Ví dụ:

- Hôm nay con học bài gì?

- Hôm nay con học thế nào?

....

Vậy câu nào thì con sẽ trả lời được? và thỏa mãn mối quan tâm thật sự của cha mẹ để nắm bắt tình hình trong ngày của con. Cha mẹ có thể hỏi con các câu hỏi như:

- Bài tập đọc về vẫn "an" con đã học chưa, hồi nhỏ bố/mẹ học rồi đó?

- Ngày bé bố học chữ "a" có dấu sắc đọc thành á, bây giờ thì sao?

- Chữ cái hoa với chữ cái thường khác nhau nhỉ, bố không sao nhớ nổi ấy.

....

Với những câu hỏi gợi mở như thế, đảm bảo các tân học sinh sẽ "giảng" cho bố mẹ nghe rất rõ ràng mạch lạc.

... luôn cần sự đồng hành của cha mẹ để các con thêm tự tin và thêm hứng thú học tập
 ... luôn cần sự đồng hành của cha mẹ để các con thêm tự tin và thêm hứng thú học tập
 

2. Gợi ý ôn bài

Thay vì bắt con ngồi đọc như cuốc kêu, cha mẹ nên làm việc này, đảm bảo con học cực kì nhanh và nhớ lâu. Đó là khi cha mẹ dán những chữ cái lên trên các đồ vật trong nhà, để mỗi lần đi qua con sẽ đi ra đọc tên một đồ vật.

Ví dụ: dán chữ "tivi" lên trên cái tivi, cả chữ viết hoa lẫn viết thường. Con sẽ đọc đi đọc lại rất nhiều khi đi qua tivi. Đến lúc đó, con sẽ nhanh nhớ chữ hơn nhiều.

3. Mời các "chuyên gia" giảng bài cho bố mẹ nghe

Tối tối, bố mẹ trở nên thật "dốt", cần có người chỉ cho. Nếu bố mẹ càng dốt, các bạn ấy càng giỏi, càng nhanh nhớ. Đặc biệt khi con cần viết bài mà bố mẹ thành thầy cô giáo thì con sẽ rất ức chế, nhưng nếu bố mẹ là học sinh, vác vở ra nhờ bạn ấy hướng dẫn viết thì chắc chắn là các bạn ấy viết rất nhanh và thành thạo.

4. Yêu cầu con hoàn thành bài

Sau một thời gian, bố mẹ phải yêu cầu các "đại giáo sư" ấy hoàn tất bài của mình trước rồi sau đó hướng dẫn cho bố mẹ. Vì khi các bạn ấy hướng dẫn, đôi khi không được chính xác cho lắm nên các bố mẹ cần có người "thầy giỏi" dạy dỗ. Bố mẹ cần phải dỗi 1 tí khi thầy dạy chưa viết xong bài. Thầy sợ dỗi thì thầy sẽ học nhanh để có thời gian dạy dỗ học trò.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng tân học sinh lớp 1 ảnh 2 TS. Vũ Thu Hương

5. Dành lời động viên, khen ngợi con

"Ủ ôi, cháu nhà em càng ngày càng tiến bộ. So với hôm qua, hôm nay cháu giỏi hơn nhiều bác ạ. Hôm qua cháu chưa học chữ "t" thường, hôm nay biết thêm cả chữ "t" hoa đấy ạ."

Với những câu ca ngợi "vô tình" lọt vào tai, các bạn ấy sẽ rất hào hứng để tiếp tục đi học và tham gia hoạt động trên lớp. Vì thế, các cha mẹ nhiệt tình ca ngợi nha.

Cha mẹ cần lưu ý: Chỉ ca ngợi sự tiến bộ so với chính bản thân con chứ đừng ca ngợi điểm số và tuyệt đối không so sánh con với bất kể ai. Các bạn nhỏ mà luôn đứng thứ nhất thì về sau cũng "ăn vạ" khi mình tự dưng đứng thứ hai hoặc thấp hơn đấy.

Đó là vài "chiêu" thú vị mà TS. Vũ Thu Hương dành cho các bố mẹ có con mới vào lớp 1. Hi vọng rằng, những bí quyết nho nhỏ này sẽ là cẩm nang giúp cha mẹ hiểu tâm lý, chia sẻ và đồng hành cùng con, tạo hứng thú học tập và rèn luyện sự tự tin cho con trong giai đoạn khởi đầu quá trình học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ