Tỷ lệ thấp còi do đâu?
Theo thống kê, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ đã giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%).
Bên cạnh đó Việt Nam đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các VCDD. Các bà mẹ ngày càng có sự thay đổi tích cực trong việc xây dựng chế độ ăn hàng ngày với dinh dưỡng hợp lý cho con.
Song, hiện chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.
Các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề cơ bản: Việc suy dinh dưỡng, thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.
Bổ sung sữa học đường và dạng bữa ăn bữa ăn
Trao đổi về vấn đề này Gs. Ts. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp: Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em Việt Nam hiện còn cao. Tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Do vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện các giải pháp trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng.
Gs.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Việc cải thiện chất lượng bữa ăn, bổ sung, tăng cường vi chất dinh dưỡng từ lâu đã được Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định là hết sức cần thiết ở tất cả các quốc gia, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng có hiệu quả tới tăng trưởng và phát triển trẻ em nhiều hơn bổ sung một vi chất đơn lẻ. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đa vi chất vào sản phẩm thực phẩm. Viện Dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; khuyến khích lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng đưa ra khuyến cáo: Người dân nên lưu ý lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày như muối tăng cường I ốt, bột mỳ tăng cường sắt kẽm hoặc các thực phẩm có thành phần nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng này, dầu ăn tăng cường vitamin A.
Nên đưa sữa vào chương trình sữa học đường, sử dụng sữa tăng cường đa vi chất sẽ có lợi hơn cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Loại và hàm lượng các vi chất dinh dưỡng phải theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng lứa tuổi trong bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.