Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong. Điều quan trọng là phải biết các dấu hiệu để kịp thời xử trí.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai thông tin trên báo chí cho biết dấu hiệu đầu tiên của người bị sốc nhiệt là vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần, tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.
Bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác của sốc nhiệt, bao gồm: Đau đầu; Chóng mặt và choáng váng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và ói mửa; Nhịp tim nhanh; Thở nhanh, thở nông.
Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…
Cũng theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Chi, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường.
Nếu phải ở lâu ở ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời.
Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường thì cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.
Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể.
Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.
Một số cách chống say nắng: Cần uống nhiều nước, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục.
Mặc quần áo rộng, nhẹ. Tránh ra ngoài nắng vào thời điểm nóng nhất trong ngày (11 giờ sáng đến 3 giờ chiều).
Tắm mát. Tránh uống quá nhiều rượu. Tránh tập thể dục quá sức.
Phải làm gì nếu ai đó bị say nắng?
Theo các chuyên gia y tế, khi phát hiện ra người bị say nắng cần đưa người bệnh vào nơi mát mẻ. Ở trong nhà là tốt nhất, nhưng nếu chưa có điều kiện hãy đưa họ vào nơi có bóng râm.
Cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt. Điện thoại cho xe cấp cứu.
Sử dụng quạt làm mát trong khi chờ đợi. Làm giảm thân nhiệt bằng một tấm khăn ướt (vắt ráo nước) chườm mát.
Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm điều này cho đến khi thân nhiệt giảm xuống 38C (100,4F).
Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ tấm khăn ướt và thay bằng tấm khô. Trấn an bệnh nhân cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.