Chuyên gia bày cách tiết chế trẻ hay bắt nạt bạn tại trường

GD&TĐ - Bắt nạt học đường luôn là câu chuyện đau đầu đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi đến trường. Là phụ huynh của những đứa trẻ "chuyên bắt nạt bạn" hay "bị bạn bắt nạt" đều có những mối lo không phải ai cũng dễ dàng thấu hiểu và thông cảm.

Bắt nạt học đường cần sự phối hợp giáo dục của nhà trường, gia đình và các phụ huynh. (Ảnh minh họa)
Bắt nạt học đường cần sự phối hợp giáo dục của nhà trường, gia đình và các phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Chị Phương Anh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Tôi có con trai học lớp 3. Cháu khá thông minh, nhanh nhẹn, ở nhà rất tình cảm, trách nhiệm và đáng yêu. Mặc dù chúng tôi rất nghiêm khắc và thường xuyên dạy con kiềm chế, chia sẻ với bạn bè,... nhưng đến lớp con thường xuyên bị phản ánh là hay bắt nạt, đánh bạn (cả bạn trai, bạn gái).

Các phụ huynh có con bị bắt nạt bức xúc nhưng không phản ánh trực tiếp với tôi mà thường đưa thông tin lên nhóm Zalo của lớp khi "cảm thấy không thể chịu nổi". Có người dành hàng tiếng đồng hồ chỉ để khuyên nhủ tôi đưa cháu đi khám tăng động, tự kỷ, dạy tôi cách dạy con,...

Giáo viên chủ nhiệm nhận định, mọi vấn đề ứng xử và nhận thức cháu không khác biệt so với các bạn trong lớp tuy có hơi thiếu kiềm chế,... Tôi rất hoang mang, lo lắng. Xin chuyên gia cho lời khuyên để tôi giáo dục cháu được tốt hơn.

Trước lo lắng của chị Phương Anh cũng như không ít phụ huynh đang ở tình huống tương tự, TS. Vũ Thu Hương phân tích và đưa ra một số lời khuyên:

Hiện nay, trẻ em Việt Nam được chăm bẵm quá mức. Một số cha mẹ còn bồi dưỡng con với đủ loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hàng ngày khi các cháu hoàn toàn khỏe mạnh và không cần bồi dưỡng. Điều này khiến các cháu bị dư thừa năng lượng.

Ngoài ra, cuộc sống của bọn trẻ ngày nay cũng tương đối nhàm chán. Có thể do cha mẹ quá bận rộn không còn thời gian quan tâm riêng tới con. Cũng có thể người lớn "ôm" hết mọi công việc nhà, thậm chí còn bón, đút ăn, tắm cho con,... khiến trẻ không có nhiều việc để làm.

Trẻ còn bị cấm ra đường vì cha mẹ lo sợ đủ thứ. Trong hoàn cảnh đó, các cháu thường cảm thấy bức bối, khó chịu, dễ nảy sinh ý thích chọc ngoáy, gây gổ, trêu chọc hay đánh bạn. Rất nhiều cháu vì thế mà bị kết luận: tăng động, giảm chú ý.

Vì thế, việc cha mẹ cần làm là hạn chế bồi bổ quá mức cho con, tăng cường cho con vận động và làm phong phú cuộc sống của con bằng việc nhà, bằng các hoạt động cộng đồng, các hoạt động sinh hoạt gia đình.

Bố mẹ hãy bố trí thời gian đưa con cùng đi thăm thú phong cảnh, hòa mình với thiên nhiên. Cũng có thể cùng nhau đi mua sắm, xem phim, cùng chuẩn bị các bữa ăn thay đổi khẩu vị mỗi tuần,... Khi đó các con sẽ giảm bớt các hoạt động nghịch phá và đánh bạn.

Chúc bé nhà bạn nhanh chóng trở lại điềm tĩnh và hòa đồng với bạn bè.

Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các phụ huynh có con bị bắt nạt ở trường, hãy dạy con bạn cách "tự vệ". Tự vệ ở đây không phải là sẵn sàng đánh trả khi bị bạn trêu ghẹo mà trước tiên hãy dùng lời nói và thái độ. Bất cứ đứa trẻ nào cùng có thế mạnh riêng, bạn hãy dạy cho con cả cách thu hút và hấp dẫn bạn bè bới những trò chơi mới hay các hoạt động bổ ích do mình "đầu têu". - TS. Vũ Thu Hương.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.