NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp, mô hình giáo dục sáng tạo đối với trẻ em ở giáo dục mầm non, tiểu học mà viện đã tiếp nhận, nghiên cứu, thực nghiệm có kết quả.
Đồng thời đề xuất một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ để các nhà trường công lập và tư thục vượt quá được những khó khăn, thử thách đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ em trong thời kỳ mới.
Hội thảo sẽ trao đổi 2 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, nhóm nghiên cứu về các giải pháp giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ em trong thời đại công nghệ 4.0 với báo cáo “Sunbot ứng dụng công nghệ Robot giáo dục phát riển tư duy kỹ thuật số cho trẻ mầm non” do bà Nguyễn Hương Lệ, Giám đốc chuyên môn của Sunbot trình bày; Báo cáo về “Giáo dục trí thông minh kỹ thuật số trong thời đại 4.0” được Ths Trần Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm phát triển trí tuệ Viêt Nam (IEV) của IPD giới thiệu.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu về các mô hình giáo dục sớm sáng tạo và thích ứng trong giáo dục mầm non. Ths Lưu Thị Minh Hường, Phó viện trưởng Viện IPD, Giám đốc chuyên môn của Merbaby với báo cáo “Nhà trẻ Merbaby mô hình sáng tạo trong giáo dục sớm trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi” để khẳng định trẻ nhỏ từ 0 đến 3 tuổi đặc biệt là ở 1000 ngày đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển toàn diện của mỗi con người;
Cô Nguyễn Thị Giáng Hương, Hiệu trường mầm non Me&Mom, giáo viên âm nhạc quốc tế Kindermusik, thành viên Viện IPD qua tham luận “Giáo dục âm nhạc lứa tuổi nhà trẻ sáng tạo và thích ứng tại Me & Mom” cũng giới thiệu về tầm quan trọng của giáo dục âm nhạc đối với trẻ nhà trẻ, nhất là đối với trẻ nhỏ dưới một tuổi…
Ths Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường Mầm non thực hành Giáo dục sớm VSK Thăng Long; Ths Lê Khánh Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành VSK Thăng Long trình bày về mô hình giáo dục sớm trước khi chưa có đại dịch Covid-19 xảy ra và trong hơn hai năm tác động của đại dịch; cách để các cơ sở giáo dục vừa chấp hành phòng chống dịch vừa giúp được các bậc cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ và giữ được đội ngũ giáo viên của trường mình…
Bà Vũ Thị Xuân, Giám đốc Ban phát triển giáo dục gia đình của viện IPD và là CEO của công ty FWU cũng tham luận về “Giáo dục sớm tại nhà cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi” để giới thiệu kết quả triển khai Chương trình trong giai đoạn thực hành trước và sau khi dịch Covid-19 xảy ra đã đáp ứng được nhu cầu của các cha mẹ và đảm bảo được quyền lợi trẻ nhỏ được vừa học vừa chơi khi không có điều kiện đến học ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tư thục hoặc khi các cơ sở này đóng cửa nhiều tuần, nhiều tháng do đại dịch.
“Hội thảo giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ trong thời kỳ mới” diễn ra trong thời gian buổi sáng 21/4 nhưng sẽ đề cập tới nhiều vấn đề mà gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa kết thúc.