Việc hiểu sai thậm chí hình thành ý tưởng về những cô bé, cậu bé thần đồng, những “master của tương lai” của các bố mẹ Việt.
Không phải là dạy trước chương trình
NGND.PGS.TS.BS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người – IPD, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, cho rằng: Giáo dục sớm là bước đột phá của khoa học giáo dục. Nó tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng, phát triển tiềm năng cho trẻ trong thời kỳ thai nhi đến sáu tuổi. Đây là cơ hội vàng, duy nhất để phát triển tiềm năng con người. Quá trình giáo dục được tiến hành sớm trong giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất (thời kỳ mẫn cảm), nên nó mang lại những ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Cũng khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục sớm, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục), đồng thời đưa ra 4 quan điểm sai lầm về giáo dục sớm. Theo đó, chuyên gia này nhấn mạnh: Đầu tiên, giáo dục sớm không phải là giáo dục thiên tài hay thần đồng. Nhiều cha mẹ mong muốn con mình có những tài năng đặc biệt ngay từ sớm, thúc đẩy con phát triển sâu về một lĩnh vực nào đó từ nhỏ một cách cưỡng ép. Điều này khiến trẻ gặp nhiều áp lực và đôi khi không những không phát triển mà còn làm mất đi những cảm xúc của trẻ ở lĩnh vực đó.
Bên cạnh đó, giáo dục sớm không nhằm trang bị nhiều kiến thức khi trẻ còn bé. Tiếp thu kiến thức là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời con người và càng trưởng thành, việc tiếp thu kiến thức diễn ra ở cả bề rộng và chiều sâu. Bộ não của trẻ cũng cần có những “khoảng trống” nào đó để chuẩn bị cho việc học kiến thức trong tương lai. Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm sẽ làm trẻ bị nhồi nhét, “tắc nghẽn” kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống. Mặt khác, trẻ nhỏ có sức chịu đựng và khả năng nhất định nên không thể cứ có kiến thức là bắt trẻ phải học tất cả. Kiến thức cần phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi.
Giáo dục sớm cũng không phải là ép tất cả các trẻ đều phát triển như nhau, theo một khuôn mẫu. Mỗi đứa trẻ có những năng lực riêng, đặc biệt là nền tảng sinh học. Với trẻ nhỏ lại càng phải quan tâm hơn đến những năng lực chuyên biệt và giúp cho năng lực ấy phát triển một cách tự nhiên nhất. Vì vậy, chúng ta không nên ép tất cả trẻ nhỏ đều phải phát triển như sau, phải học và đạt được kết quả như nhau.
“Cuối cùng, giáo dục sớm không phải là dạy trước chương trình học của các lứa tuổi lớn hơn. Nhiều gia đình quan tâm và muốn con mình phát triển vượt trội hơn so với các bạn, không phải bỡ ngỡ với kiến thức khi vào lớp 1. Vì vậy, gia đình và người lớn đã đem nhiều kiến thức của lứa tuổi lớn hơn, buộc trẻ phải học trước, buộc trẻ phải chín ép” – PGS Trần Thành Nam nêu quan điểm.
Giáo dục đúng thời điểm và đúng cách
Theo TS Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương, có thể hiểu giáo dục sớm là làm sao để trẻ từ 0 - 6 tuổi phát huy được tối đa nội lực về các lĩnh vực như thể chất, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội… Đồng hành cùng với trẻ trong việc này, đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cần thực sự tận tâm, hiểu trẻ. Mỗi nhà trường cần có sự kết nối chặt chẽ với gia đình trẻ, phụ huynh để tiếp tục đồng hành, quan sát con hàng ngày, theo dõi các biểu hiện và hỗ trợ điều trẻ cần. “Trách nhiệm của chúng ta là động viên, thúc đẩy đúng sự phát triển của trẻ. Nhưng hiện nay, đâu đó vẫn có những giáo viên chưa thực sự tận tâm, đặc biệt giáo viên ở lớp dưới 3 tuổi, vì độ tuổi này đòi hỏi sự đầu tư lớn kể cả thời gian, công sức, trí tuệ, sự kiên trì, đặc biệt là tình yêu thương với trẻ” – TS Trịnh Thị Xim cho hay.
Là chuyên gia về giáo dục mầm non, TS Trịnh Thị Xim cho rằng: Bên cạnh hiểu đúng về giáo dục sớm, cần tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non, nhất là giáo viên ở các lớp nhà trẻ. Cùng với đó, quan tâm hơn nữa đến tập huấn cho giáo viên một cách bài bản, từ cách chăm sóc đến giao tiếp, tương tác với trẻ; bởi môi trường an toàn với trẻ không chỉ là an toàn về thể chất mà còn cả môi trường tâm lý thân thiện, cởi mở… Ngay cả các bậc phụ huynh cũng cần có chương trình hỗ trợ để đồng hành cùng con tốt nhất. Nhất là trong thời đại ngày nay, trong môi trường số, làm sao để bảo đảm an toàn, đồng thời tạo cơ hội cho trẻ phát triển tối đa, đón đầu cơ hội trong tương lai cũng vô cùng quan trọng.
PGS Trần Thành Nam thì nhấn mạnh: Giáo dục sớm là giáo dục đúng thời điểm và đúng phương pháp chứ không phải bắt ép trẻ học quá nhiều thứ, tạo sức ép và căng thẳng với trẻ. Điều cần làm là trẻ hoạt động một cách vừa sức, thoái mái và tự nhiên, giúp cho trẻ hình thành các giá trị, cảm xúc tích cực, chủ động và sáng tạo.
Cùng với đó, giáo dục sớm là giáo dục tố chất. Cha mẹ và người lớn tác động đến trẻ ngay từ sớm, biết cách tác động một cách khoa học để phát huy tối đa tố chất của trẻ, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển tốt hơn khi trưởng thành. Khi có nền tảng tố chất tốt, trẻ mới có hứng thú, say mê, tích cực khi học kiến thức, kĩ năng sau này. Nói cách khác, trẻ có khả năng học được mới có hứng thú và say mê học tập và ngược lại khi có hứng thú say mê học tập sẽ giúp cho trẻ tích cực học tập hiệu quả.