Chuyện gì tiếp theo khi thủ tướng Bangladesh từ chức, bay sang Ấn Độ?

GD&TĐ - Bà Sheikh Hasina đã từ chức Thủ tướng Bangladesh và rời khỏi đất nước để đến Ấn Độ, kênh truyền hình NDTV đưa tin.

Biểu tình ở Bangladesh. Ảnh: Anadolu
Biểu tình ở Bangladesh. Ảnh: Anadolu

Chuyến bay chở bà Sheikh Hasina được cho là đã hạ cánh tại Sân bay Hindon, căn cứ Không quân Ấn Độ tại Ghaziabad, cách New Delhi 40 km.

Theo hãng thông tấn ANI, các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ đã cất cánh ngay sau khi máy bay C-130 chở bà Sheikh Hasina bay vào không phận Ấn Độ và theo dõi nó một thời gian.

"Không quân Ấn Độ và Quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ", hãng tin trên dẫn lời một nguồn tin cho biết.

Các phương tiện truyền thông đưa tin bà Sheikh Hasina đang có kế hoạch rời Ấn Độ đến London.

Theo tờ The Hindu đưa tin, bà đã yêu cầu chính quyền Anh cấp quyền tị nạn chính trị cho mình.

Thu-tuong-Bangladesh-tu-chuc,-bay-sang-An-Do.jpg
Bà Sheikh Hasina

Các nhà chức trách Ấn Độ đã đồng ý hỗ trợ bà, mặc dù vậy bà vẫn có kế hoạch rời đi London, các nguồn tin cho biết.

Theo tờ báo trên, người chị đi cùng bà là Sheikh Rehana đã có quốc tịch Anh. Ngoài ra, cháu gái bà Hasina là Tulip Siddiq là thành viên của Quốc hội Anh thuộc Đảng Lao động từ năm 2015.

Bà giữ chức vụ Bộ trưởng Kinh tế Tài chính trong nội các mới của Thủ tướng Keir Starmer.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ đòi bà Hasina từ chức tiếp tục nổ ra tại thủ đô Dhaka và các thành phố khác ngày 4/8. Chính quyền đã thực thi lệnh giới nghiêm và tuyên bố 3 ngày nghỉ lễ từ 5/8.

Quân đội đang kiểm soát các đường phố trong thành phố. Sự gián đoạn của Internet và mạng xã hội đang được báo cáo rộng rãi. Dịch vụ đường sắt trên khắp Bangladesh đã bị đình chỉ vô thời hạn. Những người tổ chức biểu tình đã kêu gọi một cuộc tuần hành đến Dhaka.

Những người biểu tình lần đầu tiên xuống đường ở nhiều thành phố của nước cộng hòa Nam Á này vào đầu tháng 7, yêu cầu bãi bỏ hạn ngạch việc làm cho người thân của những người tham gia cuộc chiến giành độc lập năm 1971.

Tình hình ở Bangladesh dần leo thang, các cuộc biểu tình biến thành bạo lực. Ít nhất 10.000 người bị bắt kể từ khi bạo loạn nổ ra, tờ The Daily Star đưa tin.

AP trước đó trích dẫn dữ liệu từ cảnh sát và các quan chức y tế cho biết có tới 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Trong khi đó, đài truyền hình India Today trích dẫn các nguồn tin không chính thức cho biết rằng có thể đã có từ 1.000 đến 1.400 người thiệt mạng.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ