Chuyển động cùng thời cuộc

GD&TĐ - Nhằm mang đến cho học sinh không gian học tập sáng tạo, thông minh, nguồn học liệu số phong phú, tận dụng tối đa những tiến bộ CNTT vào dạy học, quản lý, nhiều trường học đã từng bước hướng đến xây dựng trường học 4.0.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn trong tiết học với công nghệ 4.0
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn trong tiết học với công nghệ 4.0

Chủ động xây dựng trường học 4.0

Xây dựng phòng thực hành STEM, sử dụng kính thực tế ảo, công nghệ 3D trong dạy học, học với máy tính bảng, kiểm tra trên máy tính, quẹt thẻ điểm danh… hay xây dựng thư viện thông minh là những cách làm mà các trường đã triển khai. Năm học 2019 - 2020 là năm thứ ba Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3) đặc biệt chú trọng phát triển theo hướng trường học thông minh với nhiều “món quà” đặc biệt cho học sinh.

Ngay trong ngày khai giảng, trường đón một học sinh đặc biệt có tên là Moza. Đây là một robot do CLB STEM Robotics của trường thực hiện trong thời gian qua. Robot có thể trả lời một số câu hỏi thông thường, đơn giản, thực hiện một số hiệu lệnh cơ bản, tạo sự hứng thú cho học sinh trong ngày khai trường. Robot cũng chính là người bạn thổi lửa đam mê STEM, đam mê sáng tạo đến giáo viên và học sinh toàn trường trong suốt năm học.

Bên cạnh đó, trường đã khánh thành 5 phòng học thông minh với tivi tương tác và phần mềm học liệu số 3D Mozabook, giúp học sinh học khoa học với hình ảnh 3D trực quan, sống động như thật. Đặc biệt, trường áp dụng thí điểm phần mềm công nghệ nhận diện khuôn mặt để đơn giản hóa việc điểm danh và quản lý học sinh tại lớp 7/12.

Để hướng đến xây dựng trường học 4.0, trong năm học 2017 - 2018, nhà trường đưa vào sử dụng phòng thực hành STEM được đầu tư rất bài bản với các thiết bị hiện đại như máy quét 3D, 16 bộ thiết bị công cụ và nhiều đồ dùng cần thiết khác. Trường cũng từng bước triển khai học ngoại ngữ bằng Ipad, học tập tại nhà kính vườn sinh vật 4.0. Trồng rau sạch và quản lý vườn sinh vật bằng phần mềm theo định hướng Internet of things. Đặc biệt, phòng học STEM với hệ thống kính thực tế ảo là nơi học sinh vô cùng thích thú khi có tiết học. Trường cũng đã triển khai cho học sinh sử dụng thẻ học đường để điểm danh khi vào trường.

Bên cạnh trang bị những thiết bị dạy học hiện đại, tận dụng tối đa những ưu việt của công nghệ trong dạy học, nhà trường còn phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý đáp ứng xu thế 4.0.

 “Khi nhà trường trang bị các phòng học thông minh, người đi đầu trong tự đổi mới chính là giáo viên. Họ phải nỗ lực, tự nâng cao, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng sử dụng CNTT, đồng thời qua đó, kích thích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cả giáo viên, lẫn học sinh” - TS Phạm Đăng Khoa nói.

TS Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đang hướng đến xây dựng một môi trường học đường năng động với nguồn học liệu phong phú, các thiết bị dạy học hiện đại, bài giảng, chuyên đề được thiết kế tích hợp, lồng ghép để các em HS được thực học, thực nghiệm và hình thành các kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, đây cũng là bước chuẩn bị của trường nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục, chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới.

Bên cạnh đó, khi đưa vào sử dụng phòng học thông minh, trường cũng muốn các em thông qua các tiết học trải nghiệm phát huy được sở trường, khả năng, những lợi thế của mình để từ đó định hướng được nghề nghiệp tương lai.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Thí điểm mô hình trường học thông minh

Nằm trong kế hoạch tổng thể Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025, ngành GD-ĐT thành phố đang từng bước hướng đến xây dựng trường học thông minh với hai nội dung cơ bản: Xây dựng trung tâm điều hành trường học thông minh thí điểm tại Quận 1, Quận 12 và mô hình trường học thông minh tại 5 trường THPT. Cụ thể gồm các trường: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du.

“Đến với thư viện thông minh, không chỉ đơn thuần các em học sinh đến đọc sách, tìm sách mà còn được học trên thư viện, được sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace. Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website với một mã tài khoản riêng.

Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Đây còn là nơi giáo viên cập nhật bài giảng lên thư viện điện tử. Thầy và trò có thể tương tác bài học ngay trên thư viện điện tử, đặc biệt là các môn như Toán, tiếng Anh, Công nghệ, Khoa học… giúp trò có thể học mọi lúc mọi nơi”, thầy Nguyễn Minh cho biết.

Để hiện thực hóa chủ trương nói trên, đầu năm học 2019 - 2020, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chính thức đưa vào sử dụng thư viện thông minh với tổng diện tích khoảng 1.000 m2. Theo thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, đây là công trình nhằm hướng đến xây dựng trường học thông minh của trường.

Tương tự, Trường THPT Lê Quý Đôn, với lợi thế là trường đầu tiên được chọn làm thí điểm với mô hình trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế từ năm học 2006 - 2007. Trong quá trình thực hiện, trường luôn chủ động hướng đến môi trường giáo dục năng động, hiện đại, trong đó tận dụng tối đa CNTT trong dạy, học, quản lý, điều hành nhà trường.

Trường thí điểm cho học sinh làm bài kiểm tra online trên máy tính; Thực hiện bài trắc nghiệm hướng nghiệp cho học sinh qua phần mềm trên máy tính; Toàn bộ phòng học hiện đại theo chuẩn quốc tế; Trang bị phòng multimedia; Các phòng thí nghiệm được trang bị nhiều phương tiện mới; thư viện truyền thống và thư viện điện tử luôn được bổ sung nhiều sách hay, phù hợp… Đây là nền tảng quan trọng để việc đổi mới phương pháp dạy học phát huy tối đa hiệu quả, việc điều hành quản lý nhà trường được thuận lợi, nhanh chóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ