Động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội
Theo Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi số với ba trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 vươn lên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Không nằm ngoài xu thế của tỉnh, xác định chuyển đổi số là yếu tố tất yếu, yêu cầu bắt buộc, mở ra nhiều cơ hội phát triển và hướng tới mục tiêu đến năm 2025 thành phố Thái Nguyên trở thành thành phố thông minh thuộc nhóm đơn vị dẫn đầu về chuyển đổi số của tỉnh.
Thời gian qua, thành phố Thái Nguyên luôn chú trọng triển khai công tác chuyển đổi số, trong đó mục tiêu trọng tâm đang được địa phương thực hiện đó là tập trung phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số nhằm đổi mới toàn diện, căn bản hoạt động quản lý, điều hành bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.
Đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn bước đầu đã gặt hái được những thành quả tích cực, cụ thể: Thành phố Thái Nguyên đã kết nối thành công phần mềm quản lý văn bản tới 102/102 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc; kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới 32/32 điểm cầu xã, phường trực thuộc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, phục vụ người dân, doanh nghiệp; Duy trì thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và phần mềm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa bảo đảm kết nối 04 cấp; Tính đến quý I/2021, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết trên 430 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến…
Bên cạnh đó, thành phố Thái Nguyên đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, dịch vụ với những hình thức kinh doanh mới góp phần tăng năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Định hướng chuyển đổi số toàn diện
Có thể thấy hành trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, chuyển đổi số toàn diện được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, bám sát mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố xác định:
Để xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại phải dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Thái Nguyên sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chuyển đổi số; Tập trung huy động mọi nguồn lực, bố trí nguồn lực tài chính, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhằm tạo sự đồng thuận về công tác chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 thành phố sẽ đạt trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Trên 80% hồ sơ công việc cấp thành phố và 60% hồ sơ công việc cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng, 100% báo cáo định kì báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội của thành phố theo chỉ đạo của tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của UBND tỉnh…
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế số chiếm trên 20% GRDP, trên 300 doanh nghiệp số; Phát triển hạ tầng mạng băng rộng, cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã trên 80% hộ gia đình, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G//5G và điện thoại di động thông minh.
Đồng thời, đến năm 2030 sẽ có trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến; trên 1.500 doanh nghiệp số; hơn 80% tỷ lệ dân số trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử; trở thành địa phương dẫn đầu các đơn vị trong tỉnh về an toàn, an ninh mạng...