Theo đó, hàng loạt các tuyến đường được chỉnh trang, hệ thống điện đã được ngầm hóa một phần, hệ thống cây xanh được quy hoạch. Đặc biệt, Quảng trường Võ Nguyên Giáp đã được đầu tư mở rộng với quy mô 4,7 ha kết nối với hệ thống giao thông huyết mạch của Thành phố như: Đường Hùng Vương, đường Đội Cấn, đường Bến Tượng, đường Bắc Kạn.... Do vậy diện mạo đô thị, chức năng đô thị đã được cải thiện đáng kể và nâng cao một bước.
Tuy nhiên, TP. Thái Nguyên với chức năng của một thành phố Trung tâm vùng thì những kết quả nêu trên sẽ là chưa đủ. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng và các chuyên gia quy hoạch chỉ ra đó là: Sân vận động TP. Thái Nguyên đã xuống cấp, diện tích quy hoạch thấp chưa đáp ứng tiêu chí các giải thể thao tầm cỡ khu vực, quốc gia và quốc tế; các cơ quan hành chính được quy hoạch thiếu tập trung, phân tán, thiếu công năng và chưa đóng góp nhiều cho mỹ quan đô thị…
Với tư duy tầm nhìn chiến lược, các nhà hoạch định của tỉnh Thái Nguyên đã đặt lên bàn nghị sự nhiều phương án để lựa chọn phương án khả thi nhất nhằm khắc phục sớm nhất những tồn tại bất cập của không gian, chức năng đô thị phục vụ yêu cầu phát triển và nâng tầm đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo đó, phương án điều chỉnh quy hoạch chung để xây dựng mới Sân vận động Thái Nguyên tại khu vực phía Tây TP. Thái Nguyên đã được thực hiện quy mô 22 nghìn chỗ ngồi, có mái che, trang thiết bị hiện đại đảm bảo đủ điều kiện là một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, đường Pitch bao quanh trên diện tích 15,47 ha tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên). Phương án này đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua. Dự kiến dự án đầu tư và hoàn thành vào năm 2025.
Theo đó, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chức năng đất thể dục thể thao hiện hữu tại phường Trưng Vương sang chức năng đất hỗn hợp nhằm mở rộng quảng trường lớn trung tâm, không gian công cộng, thương mại, văn hoá - nghệ thuật, cơ quan, phố đi bộ, cây xanh tạo thành trục cảnh quan quan trọng kết nối quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu, phục vụ cộng đồng và sinh hoạt văn hóa cho nhân dân.
Các cơ quan chức năng của TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư. Kết quả 100% ý kiến tham gia nhất trí với phương án điều chỉnh quy hoạch thống nhất với phương án của tỉnh và TP. Thái Nguyên.
Phương án điều chỉnh đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng lên khảo sát trực tiếp, có sự tham gia ý kiến của 5 bộ chuyên ngành: Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Quốc phòng. Tất cả các ý kiến tham gia đều đồng thuận và nhất trí cao với phương án đề xuất của tỉnh Thái Nguyên.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, kết quả khảo sát và thẩm định, Bộ xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035 trong đó điều chỉnh cục bộ thuộc khu vực phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên. Ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1989/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh theo phương án đề xuất của tỉnh Thái Nguyên và Bộ Xây dựng.
Đáng chú ý trong phương án điều chỉnh này, Thái Nguyên sẽ hình thành tuyến phố đi bộ đầu tiên với chiều rộng trên 80m, tổng diện tích phố đi bộ khoảng 5 ha tại phường Trưng Vương, một phường trung tâm của TP. Thái Nguyên.
Mô hình phố đi bộ thể hiện một đô thị văn minh, hiện đại, được thực hiện khoa học, đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng để tạo tính kết nối, thì phố đi bộ sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng giao thông công cộng cũng như cải thiện doanh thu từ du lịch, góp phần kiến tạo nên không gian văn hóa, văn minh, đô thị.
Tại Thái Nguyên, việc tổ chức phố đi bộ trong khu trung tâm TP. Thái Nguyên là rất cần thiết, vì khu vực này hiện tại và trong tương lai tập trung nhiều loại hình giao thông công cộng, trong đó Thành phố đã quy hoạch nhiều tuyến kết nối vào khu trung tâm. Vì vậy, phố đi bộ sẽ giúp kết nối và giải quyết ùn tắc giao thông, tạo mỹ quan đô thị, phục vụ du lịch - thương mại. Như vậy, đô thị Thái Nguyên trong tương lai không xa sẽ có thêm điểm nhấn đô thị quan trọng, góp phần nâng tầm diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.