6 giờ sáng, như thường lệ, thầy Đặng Văn Cương thức giấc. Thầy là Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), một ngôi trường nhỏ xíu ở một thị trấn xa xôi.
Công việc đầu tiên trong ngày của thầy không phải là những cuộc gọi điện thoại, hay một bữa sáng ngon lành, mà là đánh thức cậu học trò tí hon Đinh Văn K"Rể dậy đi học.
Ngủ vẫn chưa đã giấc, K’Rể mắt nhắm mắt mở, lăn qua lăn lại mãi trên giường. Bao giờ cũng vậy, thầy Cương bế cậu bé ra sân rửa mặt, ăn sáng và sửa soạn áo quần cho K’Rể rồi nghiêm giọng bảo: "Con nhanh đến trường kẻo trễ giờ cô giáo phạt".
Cậu bé tí hon lí nhí "ạ" một cái, rồi lon ton chạy đến lớp. Dù nơi ở chỉ cách phòng học 10 mét, nhưng thầy Cương vẫn đứng ngóng cậu học trò cưng vào lớp thì mới yên tâm đi làm việc của mình.
Thấy K’Rể loay hoay mãi vẫn không trèo được vào chỗ ngồi, một cậu bạn cùng lớp nhanh nhẩu nói: "Để đó anh bế lên cho", rồi tròng 2 tay vào bụng, ôm K"rể đặt gọn lên chiếc ghế, đúng lúc cô giáo vừa vào lớp. Gãi đầu, cười tươi cảm ơn bạn học, cậu bé tí hon lại hí hửng vòng tay chào cô giáo và các bạn cùng lớp.
Tính ra, K"rể là "anh cả" của lớp 1B này, bởi năm nay em đã có "thâm niên" học 3 năm lớp 1. Thế nhưng, với lũ trẻ trong trường thì có lẽ K"rể luôn được xem là em út trong nhà. Bởi dù đã 10 tuổi nhưng K"rể chỉ nặng 3,9 kg, cao 60 cm. Em mắc chứng Seckel (người lùn, đầu chim), trên thế giới chỉ có khoảng 10 ca được ghi nhận.
Cậu bé tí hon là con của anh Đinh Văn An (30 tuổi) và chị Đinh Thị Pia (28 tuổi), trú thôn Gò Da (xã Sơn Ba, Sơn Hà). Anh An và chị Pia vốn là anh em chú bác ruột. Do yêu nhau nên 2 người có cùng huyết thống đã kết hôn vào năm 2006. Một năm sau, vợ chồng này sinh được đứa con đầu lòng là Đinh Văn Siêng (anh K"rể). Cháu Siêng khoẻ mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Thế nhưng, đến năm 2009, chị Pia sinh đứa con thứ 2 là Đinh Văn K"rể khi chỉ mang bầu 8 tháng. Lúc chào đời, K"rể chỉ tròn 600g, cao chưa đầy 1 gang tay. Gia đình cứ tưởng K"rể tí hon vì sinh non, nhưng nuôi mãi, đến năm 7 tuổi mà em cũng chỉ nặng 3 kg, cao 50 cm và chưa biết nói, chỉ khóc, cười, bước đi chập chững vài bước là trượt ngã.
Bởi thân hình quá lạ lùng nên dân làng đồn đại K"rể bị "ma nhập", rồi cấm con mình chơi với em. Từ đó, K"rể suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong xó nhà và nằm trong địu của cha mẹ mỗi khi đi làm rẫy…
"Lúc mới sinh, con tôi chỉ bé bằng con chuột. Cho đây là ‘điềm xui’ nên dân làng bắt tôi mang ra bìa rừng chôn. Thương con, vợ chồng tôi thuyết phục cho giữ cháu lại. Rồi nuôi mãi không thấy con lớn, mỗi ngày chỉ ăn được vài muỗng cơm, khiến ai thấy cũng tránh xa, nhưng dần dần thì người ta hiểu và giờ thương nó lắm…", anh An ngọng nghịu nói bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình.
Cha nuôi của "tí hon"
Thế rồi, năm 2013, trong chuyến đi khảo sát học trò đến lớp, thầy Cương vô tình gặp K"Rể khi bố địu em trong bị vải để đi làm. Cuộc gặp gỡ giữa cậu bé tí hon và ông giáo tốt bụng chính là khởi đầu cho câu chuyện cổ tích có thật về tình thầy trò.
Xúc động khi thấy thân hình của K"Rể, thầy Cuơng dặn dò gia đình cứ nuôi em bé, khi nào đủ tuổi thì thầy sẽ đưa xuống trường để chăm sóc. Và, giữ đúng lời hứa, năm 2015, khi K"Rể tròn 7 tuổi, thầy Cương đã lặn lội cuốc bộ gần 3 giờ băng rừng, đến nhà vận động cha mẹ cho cậu bé tí hon đi học.
"Thấy con nhỏ quá, sợ K"Rể không hòa nhập được với các bạn nên ái ngại nhưng thầy Cương động viên mãi nên vợ chồng tôi ‘liều’ cho con đi học thử…", anh An chia sẻ.
Ngày đầu "xuống núi", K"Rể lúc nào cũng rụt rè và sợ hãi với mọi thứ xung quanh, ngay cả việc tự vệ sinh cá nhân - em cũng không biết.
Để em dần quen với nhịp sống mới, thầy Cương kiên nhẫn dành thời gian để chăm chút và hướng dẫn K’Rể. Để tiện chăm sóc cậu bé tí hon, thầy chuyển phòng làm việc vào phòng nội trú, K"Rể cũng từ đó mà gắn bó với thầy hơn. Thầy kể, hồi mới xuống núi ấy, thầy có làm 1 chiếc giường riêng nhưng K"Rể không chịu ngủ, mà đòi ngủ với thầy.
Cứ thế, cuộc sống hàng ngày của K"Rể quanh quẩn với sự chăm sóc của thầy hiệu trưởng. Mọi việc sinh hoạt cá nhân của K"Rể đều do thầy Cương lo liệu. Dần dần, quen với tình yêu thương của người thầy, K"Rể gọi thầy là “Vá" (Cha theo tiếng H’Rê - PV), và vẫn thường trèo vào lòng, trốn trong nách thầy như một chú gà con mỗi khi trêu đùa cùng chúng bạn.
Do ngoại hình tí tẹo, thế nên nhà trường phải nhờ thợ mộc đóng riêng 1 cái ghế cao và mua thêm 1 cái gối để kê lên cho K’Rể ngồi. Tất cả quần áo, giày dép và đồ dùng của cậu bé tí hon đều được thầy Cương xuống tận TP Quảng Ngãi đặt làm riêng.
"Tôi đặt chân K’Rể lên tấm bìa rồi lấy bút vẽ cỡ chân, sau đó mang xuống thuyết phục thợ đóng cho em một đôi dép 2 quai. Áo quần đi học của K’Rể cũng đều phải đặt người ta ‘thửa’ riêng cả" , thầy Cương chia sẻ.
Do căn bệnh khiến K’Rể chậm nói và trí nhớ hạn chế, thế nên thầy Cương và các thầy cô trong trường không chú trọng dạy kiến thức cho em, mà thay vào đó là những kỹ năng sống để em có thể cứng cáp hơn.
Sau gần 3 năm đến lớp, K"Rể đã hòa nhập nhanh và có thay đổi vượt bậc. Từ cậu bé nhút nhát và hay sợ sệt, K"Rể đã trở thành một cậu bé vui vẻ, nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn, có thể viết được chữ O, số 1 và tự làm được một số việc cá nhân.
Quan trọng hơn, K"Rể không bị động mà có thể quan sát, lắng nghe và hiểu những vấn đề xung quanh mình, rồi từ đó bày tỏ chính kiến khi các bạn trêu chọc cũng như trả lời trước câu hỏi của cô giáo. Ngày K"Rể biết nói tiếng “ạ”, thầy Cương và các thầy cô dạy em ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
Cô Phạm Thị Khánh, chủ nhiệm lớp 1B, cho biết khi nhận K’Rể vào lớp, cô phải sắp xếp chỗ ngồi tiện lợi, cây bút chì cắt đôi ra mới vừa tay cầm của em. Do tay mềm và yếu nên K"Rể chưa viết bút chì được, thế nhưng cậu đã có thể bắt chước bạn bên cạnh lấy bảng con ra và vẽ phấn lên đó.
"Dù kém tập trung, thi thoảng nghịch ngợm nhưng K’Rể vẫn ngồi học đủ số tiết. Em rất giỏi làm dấu để mọi người hiểu và em cũng hiểu hết những điều người khác nói. Bây giờ em có thể tự xúc cơm ăn, tự tháo dép, đi đến lớp học và trèo lên đúng ghế ngồi... Đây là cách giúp K’Rể hòa nhập với bạn bè, xóa khoảng cách về sự khác biệt của em", cô Khánh chia sẻ.
Tuy ngoại hình nhỏ bé, nhưng K’Rể vẫn rất hiếu động. Tí hon nhất nhưng em cũng là học sinh nghịch nhất trường, trò chơi em mê nhất là “đánh nhau giỡn", “đánh trận giả". Cứ mỗi lần "thua trận", K"Rể lại nức nở chạy về… méc thầy Cương. Thành ra, theo các em học sinh thì phần vì "nể" K’Rể được thầy "bảo kê", phần vì sợ K"Rể trốn kỹ tìm không ra nên ai cũng chịu để K"Rể “ăn hiếp".
Thấy Cương chăm chút cho K"Rể từng bữa ăn, giấc ngủ. Do không có răng, phải ăn bằng lợi, lại thích ăn cơm giống mọi người chứ không chịu ăn cháo nên K’Rể luôn ăn chậm hơn các bạn, dù mỗi bữa em chỉ ăn được một phần non nửa chén. Thương "con", nhiều lần thầy Cương lại bỏ dở bữa để dỗ dành bón cho em ăn. Coi K’Rể như con nên cứ cuối tuần, thầy Cương lại đưa K’Rể về nhà để cùng sum vầy với gia đình.
"Tôi xem K"Rể như con của mình vậy. Vợ và các con tôi cũng thương và coi em như thành viên trong gia đình. Tuy không nói được nhưng K"Rể là đứa trẻ hiếu động và giàu tình cảm. Mong muốn lớn nhất của tôi và các thầy cô là dạy K"Rể kỹ năng sống để em hòa nhập với các bạn…", thầy Cương trải lòng và vui mừng khoe với tôi tháng này K"Rể mới vừa "nhích" thêm được gần 0,1 kg.
Thầy Cương xúc động nhớ lại lần đầu tiên dẫn K"Rể ra Hà Nội vào cuối năm 2016 để thăm khám. Để có các xét nghiệm, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương phải lấy đủ 5 ống máu. Thế nhưng, hút đến ống máu thứ 3, K"Rể gần như kiệt sức và khóc cạn nước mắt. Thấy “con" khóc, thầy Cương trong lòng quặn lên vì xót xa, nhưng cũng phải nén lại để dỗ dành K"Rể, kiên nhẫn đến cuối ngày mới lấy được đủ 5 ống máu.
Cũng trong chuyến đi này, đích thân Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp gỡ và vận động quyên góp cho K’Rể số tiền hơn 24 triệu đồng. Số tiền này đã được thầy Cương lập một số tiết kiệm cho K’Rể.
Tấm lòng của người thầy "liều" đưa học sinh đi nội trú
Không chỉ "chắp cánh" hi vọng cho cậu bé tí hon, mà thầy Đặng Văn Cương còn là "ân nhân" của nhiều em nhỏ đồng bào Hơ rê ở vùng cao này. Thấy các em vất vả mỗi khi phải băng rừng đến điểm trường để theo con chữ. Năm 2009, thầy Cương "đánh liều" bàn với các giáo viên lặn lội vào từng ngôi nhà, vận động cha mẹ cho con em xuống học và lưu trú ở lại trường.
Để thuyết phục phụ huynh, thầy hứa sẽ nuôi các em với điều kiện bằng hoặc hơn ở nhà. Ban đầu còn nghi ngại, nhưng nhờ sự nhiệt thành của thầy, cuối cùng cha mẹ cũng đồng ý để các em "xuống núi" đi học.
Đưa học sinh xuống lớp đã khó, nhưng lo chỗ ăn, chỗ ở các em càng khó hơn. Để có nơi cho các em tá túc, các thầy cô phải xếp dọn 3 phòng ở, vốn là phòng giáo viên. Còn tiền ăn của các em được các thầy cô trích ra từ đồng lương ít ỏi của mình.
"Khi các em mới về trường, do chưa có trợ cấp nên thầy cô phải lấy tiền lương của mình lo cho các em. Tôi động viên mọi người nuôi học trò bằng mọi giá. Bởi nếu bỏ cuộc, các em về lại làng thì sẽ đánh mất lòng tin của phụ huynh, đồng nghĩa việc các em sẽ xa trường, xa lớp mãi mãi…", thầy Cương nhớ lại.
Biết các em không thể có bữa cơm đầy đủ từ đồng lương của mình, thầy Cương lại lặn lội xuống Huyện ủy, UBND huyện xin hỗ trợ và vận động khắp nơi xin gạo, dầu ăn, mắm, muối nuôi học sinh ròng rã suốt 5 năm.
Thầy Cương kể, ngày mới đưa học sinh về ở nội trú, có những câu chuyện cười ra nước mắt. Như vừa đón K’Rể "xuống núi", do sợ đám đông nên tối đến khi các bạn đang ngủ thì cậu bé tí hon lại chui xuống gầm giường "trốn". Thầy cô đi kiểm tra thấy vắng lại tá hỏa chia nhau đi tìm suốt đêm. Hay chuyện ở phòng tập thể có 1 cái tivi. Xem phim thấy xe chạy, các em lại tưởng xe đâm vào mình nên nghiêng người… né, có em còn vừa la hét, vừa bỏ chạy.
Rồi có chuyện, do quen lối sinh hoạt ở nhà nên nhiều em cứ nửa đêm là lại thay nhau đi… vệ sinh bừa bãi khắp trường. Thức giấc, thay vì tập thể dục rồi đi dạy thì các thầy cô lại phải hì hục cùng nhau… dọn "mìn". Nhiều em sức khỏe yếu, mỗi khi trở trời lại lên cơn sốt khiến thầy cô phải thức canh chừng để cấp cứu…
Nhờ tình yêu thương, từng chút một, từng chút một các thầy cô hướng học sinh của mình quen với nếp sống mới. Các em biết dùng đũa ăn cơm, biết giữ vệ sinh và chào hỏi khi có khách đến. Cũng nhờ đi học nội trú này mà việc học của các em đã tiến bộ hơn. Ở trường chỉ phải lo ăn, lo học và chơi với các bạn, điều kiện cũng tốt, thế nên cuối tuần về nhà thăm gia đình - nhiều em lại chỉ mong đến ngày, đến giờ quay lại trường học.
Từ 15 học sinh ban đầu, sau 8 năm, hiện trường có 117 học sinh Hơ rê đang học bán trú. Đến năm 2013, các học sinh này được hưởng chế độ của Nhà nước nên giờ các thầy cô cũng bớt gánh nặng hơn. Tuy vậy, trường vẫn duy trì vườn rau và chuồng trại nuôi gà.
Chỉ tay về phía khu phòng học kiên cố đang được xây dựng, thầy Cương hào hứng khoe: "Nhờ nhà nước quan tâm nên ước mơ có đủ phòng học cho học trò của tôi lâu nay đã thành hiện thực. Vừa rồi, trường cũng bán con heo rừng lai được 12 triệu đồng. Số tiền này bỏ ‘heo đất’ để dành phòng khi các em học sinh bị ốm đau…".