Quản lý, chuyển nhượng và góp vốn bằng đất tùy tiện
Ngoài sai phạm nghiêm trọng trong việc cổ phần Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước tại IPD, rất nhiều sai phạm về việc quản lý và sử dụng quỹ đất của thành phố (TP) giao IPC được Thanh tra TP.HCM phát hiện.
Theo kết luận của Thanh tra TP mà chúng tôi có được, khi IPD (là công ty con của IPC) chuyển sang cổ phần hóa, đơn vị này nắm giữ trong tay 69 ha đất công sản (được UBND TP cho thuê và quản lý).
Điều đáng nói, khi cổ phần hóa hay thỏa thuận góp vốn với các đối tác, Công ty IPD đã có nhiều việc làm sai phạm gây thất thoát tài sản. Đơn cử IPD thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng 1.850m2 đất với công ty TNHH địa ốc Linh Thành, nhưng không xác định theo giá thị trường (hai bên tự định giá với nhau là 5 tỉ đồng). Về việc này Thanh tra TP chỉ rõ là chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Đặc biệt, việc xác định giá trị các dự án mà Công ty IPC (công ty mẹ) đang thực hiện (gồm 5 dự án) như dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên và chuyên gia Khu chế xuất Linh Trung, Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2), Khu dân Long Thới (huyện Nhà Bè), khu dân cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, khu dân cư Hiệp Phước 1, khu dân cư Hiệp Phước 2 theo kết luận của Thanh tra TP là thiếu sự nhất quán, bất hợp lý, không đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào dự án …
Chính điều đó dẫn đến việc khi cổ phần hóa, các giá trị tài sản gắn liền với đất (thuộc quản lý của IPC và IPD) được định giá không đúng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước bằng cách giảm giá trị đất thực hiện dự án.
Riêng tại dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, IPD đã hoàn tất công tác bồi thường, xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật, khoản tiền đầu tư này được ghi nhận trên sổ sách kế toán là chi phí dở dang gần 75 tỉ đồng. Tại dự án này công ty đã chuyển nhượng 250 nền.
Tuy vậy, khi xác định lại giá trị Doanh nghiệp các bên đã không đánh giá lại giá trị các khoản đầu tư vào dự án, nhưng phần tiền thu trước của khách hàng lại đưa vào phần nợ phải trả là chưa phản ánh đầy đủ lợi ích của Doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước khi cổ phần.
Ngoài ra, Thanh tra TP cũng chỉ rõ tại dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), IPC được giao đất để thực hiện tái định cư cho Khu công nghiệp Hiệp Phước, nhưng trong vòng 7 năm (từ năm 2000-2007) IPC đã chuyển nhượng 341 nền đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư. Việc này là không đúng Luật Đất Đai năm 1993 và 2003.
Đặc biệt, IPC đã tự ý chuyển nhượng 2 Block chung cư tại dự án này với giá chỉ 18 tỉ đồng mà không qua thẩm định giá. Riêng cựu tổng giám đốc IPC Tề Trí Dũng quyết định đơn giá đất nền tại dự án Khu dân cư Long Thới rẻ như cho (từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng mỗi m2) Thanh tra TP kết luận đây là việc làm sai nguyên tắc, không bảo toàn vốn…gây thiệt hại cho Nhà nước ít nhất 44 tỉ đồng.
Phối cảnh tổng thể quy mô Dự án khu định cư An Phú Tây do SADECO công bố |
Thoái vốn sai nguyên tắc, bán đất rẻ như cho
Tại Dự án KCN Hiệp Phước 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, IPC được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư vào năm 2008 với hơn 513 ha đất. Sau khi làm dự án, IPC đã ngay lập tức chuyển nhượng dự án cho Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC) - một công ty liên kết IPC và IPC góp gần 41% vốn(tương ứng hơn 460 tỉ đồng).
Theo Thanh tra TP, việc chuyển nhượng dự án này thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường cho HIPC, không đấu giá để xác định giá thị trường. Việc xác định giá trị lợi thế thương mại khi chuyển nhượng dự án hơn 145 tỉ đồng (trong tổng 468 tỉ đồng) nhằm bảo đảm vốn điều lệ của IPC nắm giữ tại HIPC là không có cơ sở, không đảm bảo quyền lợi chủ đầu tư.
Tại dự án khu định cư An Phú Tây (rộng 47ha), được UBND TPHCM giao cho Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) làm chủ đầu tư vào năm 2001. Sau đó, HĐQT SADECO có nghị quyết về việc xây dựng dự án phục vụ bố trí tái định cư các dự án trong khu đô thị Nam TP.HCM.
Khi triển khai dự án, IPC ký hợp đồng góp hơn 492 tỉ đồng vốn đầu tư vào dự án (năm 2008) với SADECO (công ty liên kết với IPC và IPC góp 28% vốn). Và tính đến thời điểm cuối 2018 IPC đã thanh toán hơn 473 tỉ đồng.
Điểm đáng nói là sau khi đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh vào năm 2016, IPC đã ký 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá rẻ bèo, chỉ từ 7 - 8,8 triệu/m2, trên tổng diện tích chuyển nhượng hơn 24.000 m2. Tổng số tiền thu về chỉ vỏn vẹn hơn 186 tỉ đồng .
Sau kiểm tra, Thanh tra TP kết luận: Việc IPC chuyển nhượng số lượng lớn nền đất tại dự án An Phú Tây cho một số cá nhân (thay vì tổ chức bán qua sàn giao dịch bất động sản), không qua tổ chức đấu giá, bán với giá chưa phù hợp là không cần thiết, vì thời điểm bán IPC không cần vốn.
Thanh tra TP cũng kết luận, việc chuyển nhượng nền đất của IPC tại 6 hợp đồng không mang lại hiệu quả, bởi năm 2008 IPC góp vốn vào SADECO với giá 6,6 triệu đồng/m2, nhưng sau 10 năm (2016 - thời điểm giá đất toàn TP đang tăng nóng) IPC lại chuyển nhượng cho cá nhân chỉ với giá 7 triệu đồng/m2 là bất hợp lý nếu tính biên độ lãi suất ngân hàng 6%/năm.
Đặc biệt, Thanh tra TP chỉ ra điểm bất bình thường tại hai hợp đồng IPC chuyển nhượng đất cho cá nhân khác vào cuối năm 2018 với giá thấp hơn cả giá công ty SADECO công bố vào năm 2016.
Sau điều tra, đối chiếu giá đất chuyển nhượng cùng thời điểm (Cụ thể, theo các hợp đồng chuyển nhượng tại dự án An Phú Tây do Chi cục Thuế huyện Bình Chánh cung cấp, Thanh tra TP ghi nhận, giá thị trường chuyển nhượng thời điểm đó là từ 15-16 triệu đồng/m2), Thanh tra TP khẳng định việc chuyển nhượng này có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ngoài sai phạm về định giá tài sản khi cổ phần hóa, Thanh tra TP cũng chỉ ra hàng loạt khuyết điểm về thoái vốn của IPD tại Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Thái Dương, Công ty Cổ phần Tiếp vận Hồng Ngọc, Công ty Cổ phần Cơ khí và Đúc kim loại Sài Gòn, dẫn tới các khoản nợ khó có khả năng thu hồi…
Đất tại Dự án định cư An Phú Tây thời điểm hiện tại được giới cò đất thông tin giá bán từ 30-42 triệu đồng/m2 - trong khi giá IPC bán cho cá nhân khác vào năm 2018 chỉ với 7,7-8 triệu đồng/m2 |
Nhìn nhận về khoảng tối trong công tác cổ phần hóa DNNN, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng; Với giá trị gia tăng theo năm, đất đai rõ ràng là tài sản quý. Vì vậy, Nhà nước cần phải có các giải pháp để bịt “lỗ hổng” thất thoát tài sản Nhà nước từ định giá, chuyển đổi “đất vàng” do DNNN quản lý trong thời gian tới. Trong đó, quan trọng là việc định giá Doanh nghiệp phải chính xác và theo giá thị trường, vì quá trình tái cơ cấu, sắp xếp DNNN vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Kết luận của Thanh tra TP cũng khẳng định, những vụ việc có dấu hiệu sai phạm nêu trên đã gây thiệt hại cho vốn Nhà nước, có dấu hiệu vi phạm Điều 179 BLHS năm 2015 quy định về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện Thanh tra TP đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành điều tra các sai phạm tại nhiều dự án đất do IPC và IPD bán và chuyển giao.