Chuyện chiếc ghế trong cung vua phủ chúa

GD&TĐ - Thời Lê Trung hưng, chúa Trịnh khi thiết triều được ngồi bên trái ngai vua, nhưng vật để ngồi chỉ gọi là ghế chứ không gọi là ngai.

Tranh minh họa: Tranh vẽ các vị quan Chánh nhất phẩm triều Nguyễn (Cần Chánh điện Đại học sĩ và Văn Minh điện Đại học sĩ) ngồi ghế. Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhàn đầu thế kỷ XX.
Tranh minh họa: Tranh vẽ các vị quan Chánh nhất phẩm triều Nguyễn (Cần Chánh điện Đại học sĩ và Văn Minh điện Đại học sĩ) ngồi ghế. Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhàn đầu thế kỷ XX.

Thời Lê Trung hưng, các chúa Trịnh nắm mọi quyền hành trong nước, nhưng vẫn phò vua Lê chứ không phế truất. Vua vẫn được đặt lên ngai vàng làm biểu tượng, còn chúa Trịnh khi thiết triều được ngồi bên trái ngai vua, nhưng vật để ngồi chỉ gọi là ghế chứ không gọi là ngai.

Việc này có lẽ bắt đầu từ năm 1664, khi vua Lê Huyền Tông cho phép Tây vương Trịnh Tạc được hưởng đặc cách vào chầu vua không phải lạy, tờ chương tấu không phải xưng tên, đặt ghế ngồi ở bên trái chỗ ngồi của vua.

Năm 1682, chúa Trịnh Tạc mất, Định Nam vương Trịnh Căn lên kế thừa ngôi chúa, ông cũng được vua Lê Hy Tông ban cho đặc ân không phải viết tên vào tấu sớ, không cần lạy khi vào bái yết, được ngồi ghế ở bên trái nhà vua khi thị triều.

Chiếc ghế của chúa đặt trong điện của vua Lê không được sử sách tả lại như thế nào, nhưng trong tập “Thượng kinh ký sự”, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người năm 1781 được vào phủ chúa chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán đã tả lại quang cảnh trong nội phủ: Bên trong thắp nến, có “sập thếp vàng”, “ghế rồng sơn son thếp vàng”...

Theo quy định, mỗi khi chầu vua, trăm quan phải đứng hoặc quỳ, quan đầu triều đứng trong điện, trăm quan đứng dưới sân rồng theo thứ tự. Nhưng cũng có những trường hợp được vua đặc cách cho phép ngồi ghế. Đó là ưu đãi dành cho các bậc lão thần, các vị thân vương cao tuổi.

Như sau khi vua Minh Mạng qua đời, những ngày đầu thời vua Thiệu Trị, khi nhà vua đã thân ra coi chính sự, mỗi ngày buổi sáng, buổi chiều, vua mặc áo trắng, ngự ra tiền điện, cho gọi các quan vào bàn luận chính sự.

“Đại Nam thực lục” cho biết: “Các bề tôi vào ra mắt, vua cho ngồi ghế và cho uống trà một cách ung dung. Đối với các đại thần như bọn Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cự, vua chỉ gọi tên quan, chứ không gọi tên thực”.

Hoặc khi vua Thiệu Trị ra Bắc Thành để nhận lễ sắc phong của nhà Thanh mùa xuân năm 1842, khi tiếp viên quan hưu trí là nguyên Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực từ Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) đến hành tại lạy yết kiến, sử cũng ghi rằng: “Vua nghĩ tình bề tôi giúp việc lâu năm về trước, sai đỡ lên điện, cho ngồi ghế hỏi chuyện ân cần và cho miễn lạy. Vua lại làm một bài thơ tặng để tỏ ý yêu quý. Khi Phan Huy Thực trở về, vua thưởng cho ông 10 lạng bạc, 200 quan tiền”.

Vua Tự Đức cũng đặc cách cho các vị thân vương cao tuổi như Từ Sơn công là Nguyễn Phúc Mão (con vua Gia Long, hàng ông chú của vua Tự Đức), cùng các chú của vua là Thọ Xuân công là Miên Định, Ninh Thuận công là Miên Nghi, Nghi Hòa quận công là Miên Thần, Tùng Thiện công là Miên Thẩm và Tuy Lý công là Miên Trinh, lúc thường triều, nghe chính sự, hay khi ăn yến, phàm có ban cho, hỏi han, chỉ bảo, khuyến dạy điều gì đáng phải sụp lạy thì đều cho cứ ngồi ghế, hoặc đứng dậy, lấy 2 tay chắp lên ngang trán, cho thỏa tình thân ái.

Theo quy chế triều Nguyễn ban hành từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823), quan và dân sống thọ đều được hưởng ân điển của nhà vua, trong đó có ban ghế ngồi và gậy chống.

Khi bắt đầu ban hành lệ này, vua Minh Mạng đã dụ bộ Lễ rằng: “Thượng cổ đều lấy trăm tuổi là kỳ hạn. Song từ trước đến nay thọ đến 70 tuổi đã khen là ít có. Huống chi thọ tới 100 tuổi, được đến tuổi “kỳ dị” như thế thực là điều tốt của người buổi thái bình. Trẫm mong nước và dân trường thọ để được thấm nhuần ơn lớn. Từ nay các chức quan lớn nhỏ, tuổi 80 trở lên, thì cho đề tâu rõ ràng, đợi chỉ để thưởng cấp tiền lụa theo thứ bậc.

Như quan nhất nhị tam phẩm mà thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ ngũ lục phẩm thì 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; thất bát cửu phẩm thì 60 lạng bạc, 6 tấm lụa. Mệnh phụ thì chiếu phẩm mà giảm 1 phần 3. Đều cấp cho biển ngạch, dựng đình ở cửa làng để nêu khen. Lại cách ngoại gia thêm quan hàm và thưởng thêm ghế, gậy, đồ vặt, gấm, đoạn, vàng, lụa”.

Điều này được vua Minh Mạng nói rõ hơn khi ban thưởng cho lão võ tướng Nguyễn Văn Xuân vào mùa đông năm 1835, nhà vua bảo Nội các rằng: “Nguyễn Văn Xuân là lão thần kỳ cựu, có công lao, ta rất đoái thương. Đời xưa, dưỡng lão có ghế ngồi và gậy chống, song ta nghĩ: Người già nếu không mặc lụa thì không ấm, nên mới ban lụa cho Xuân để tỏ ý ưu dưỡng rất ân cần”.

Khi viết về việc các vị vua qua đời, sử sách triều Nguyễn đều viết câu “Trước khi tiên đế sắp mất, tựa vào ghế ngọc ban mệnh lệnh, bảo rõ cho ai được nối ngôi...”. Như khi vua Thiệu Trị băng hà, “Đại Nam thực lục” viết rằng: “Đến khi tựa ghế ngọc truyền mệnh lệnh lại, ân cần dạy bảo, một thiên di chiếu, an tường tĩnh định, tuy những ý của thánh đế minh vương đời cổ truyền thụ tinh vi cũng không hơn được…”.

Ngược dòng lịch sử, thời Lý có một sự kiện liên quan đến cái ghế thếp vàng có lẽ khá lạ mà “Đại Việt sử ký toàn thư” phải ghi lại. Đó là chuyện xảy ra vào năm Thông Thụy thứ 2 đời vua Lý Thái Tông (1035), ghi rằng: “Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu làm chiếc ghế chéo hình bát giác thếp vàng”. Đồ vật này, âm Hán Việt là “kim bát giác tiêu dao tọa”.

Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong sách “Vân đài loại ngữ”, viết rằng: “Ghế ngồi của người Hồ (Hung Nô) khoan chốt, để chéo chân, xỏ dây làm mặt ghế, mở ra gấp lại chóng lắm, nặng không đến vài cân, gọi là “tiêu dao tọa”, tương truyền người hầu của vua Đường Minh Hoàng đã làm chiếc ghế theo kiểu ấy để đem theo cho tiện ngồi khi theo hầu vua đi chơi ở ngoài”. Như vậy, cái ghế cho hình bát giác mà vua Lý Thái Tông sai làm, có thể là chiếc ghế kéo như Lê Quý Đôn đã mô tả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.