Không chỉ là một vị quan thanh liêm, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình. Nguyễn Văn Giai còn là người duy nhất đủ sức lẫn mưu “ghìm cương” chúa Trịnh để bảo vệ vua Lê.
Lấy được vợ nhờ mất quần
Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628), quê ở làng Phù Lưu, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tổ tiên ông có nhiều bậc đại khoa, như Trạng nguyên Nguyễn Văn Long, Bảng nhãn Nguyễn Văn Quý, Thám hoa Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Văn Lâm. Tuy nhiên, đến đời Nguyễn Văn Củng – thân phụ Nguyễn Văn Giai thì rất nghèo khó.
Theo sách “Thiên Lộc huyện chí” thì Nguyễn Văn Giai đặc biệt thông tuệ, 5 tuổi đã biết chữ nghĩa, 9 tuổi biết làm văn, 15 tuổi biết viết bài phú, 16 tuổi được gia đình ra Thăng Long tìm thầy giỏi rèn giũa kinh sử. Có sức khỏe hơn người, Nguyễn Văn Giai vừa làm đủ các nghề khó nhọc vừa theo học.
Giai thoại kể rằng, một hôm vừa đi gánh thuê về, vì trời nắng nóng nên ông xuống ao trước cửa nhà thầy để tắm. Quần áo để trên bờ chẳng may bị ai đó lấy mất khiến ông cứ ngâm mình dưới nước mãi không dám lên.
Bên kia ao là nhà của một Giám sinh, có cô con gái ra ao giặt đồ nhưng thấy ông thì liền quay vào. Trở ra trở lại mấy lần đều thấy Nguyễn Văn Giai, cô gái hiểu chuyện liền để lại trên bờ tấm vải. Nhờ đó Nguyễn Văn Giai mới có thể lên bờ về nhà.
Năm 1579, nhà Lê trung hưng mở khoa thi ở Thanh Hóa. Bấy giờ kinh thành Thăng Long bị nhà Mạc chiếm giữ. Trong kỳ thi Hương, Nguyễn Văn Giai đoạt Giải nguyên. Vào năm sau tổ chức thi Hội, ông lại đỗ Hội nguyên, vào đến thi Đình ông lại đỗ đầu.
Sau khi thi đỗ Nguyễn Văn Giai đến nhà Giám sinh nọ xin hỏi cô gái làm vợ, đồng thời kể lại câu chuyện ngày xưa. Giám sinh đồng ý gả con gái cho ông. Nhờ mất quần mà lấy được vợ, có lẽ là câu chuyện hiếm của một vị đại khoa.
Về học vị của Nguyễn Văn Giai, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đều chép là Hội nguyên nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Tuy nhiên, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” lại chép là Hội nguyên, Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ.
Sau này các sách chép theo “Lịch triều hiến chương loại chí” là không đúng, vì chính sách này về sau trong phần “Khoa mục chí” đã nói rõ từ năm 1580 (năm Nguyễn Văn Giai dự thi), triều Lê - Trịnh mới bắt đầu khôi phục lại khoa thi Hội, được mở tại hành cung An Trường (Thanh Hóa) chứ chưa có thi Đình.
Vụ xử cái ao
Giai thoại cũng truyền rằng, sau khi thi đỗ Nguyễn Văn Giai được bổ làm tri huyện. Thuở ấy, có 2 làng cạnh nhau là Yên Phong và Tam Túc chung nhau đào một cái ao.
Trai tráng hai làng hì hục mãi nhưng cũng chỉ đào được chút ít vì đất cứng. Một chàng trai từ đâu đến lắc đầu vẻ chê bai, muốn ra tay đào giúp. Nhưng trước khi đào, chỉ xin ăn một bữa cơm cho thoả.
Dân 2 làng gọi người dọn ngay mâm cơm cho anh chàng lạ ăn. Anh ta cũng không khách khí, cởi bỏ khăn áo, ngồi vào mâm. Mọi người đứng quanh trố mắt nhìn: Anh ta ăn như hổ, nồi 7 quăng ra nồi 3 quăng vào khoẻ như Thánh Gióng.
Ăn uống no nê, chàng trai xuống xắn những tảng đất to như cối đá hất lên bờ, nhẹ như không. Chẳng bao lâu, một chiếc ao lớn, chỉ một mình anh ta đào thoăn thoắt, đã xong xuôi.
10 năm trôi qua, chuyện đào ao rơi vào quên lãng, và 2 làng bỗng xảy ra tranh chấp: Làng nào cũng bảo chỉ mình có công. Cuối cùng phải đưa đơn lên huyện kiện nhau.
Quan huyện xem xét đơn từ xong, gọi các phụ lão của 2 làng mà bảo: Theo như điều tra của ta thì cái ao này nguyên không phải do 2 làng các vị đào, mà do một người khác đào hộ. Nếu các vị chịu nhường nhau cùng hưởng thì đó là thượng sách. Bằng không, ta cho gọi người đào ao đến thì cả hai làng mất ao, các vị chọn đằng nào?.
Các cụ lão làng còn đang lưỡng lự thì quan huyện bỏ khăn đầu ra hỏi: Thế các vị có còn nhớ cái anh chàng đào ao năm nọ không? Có phải hắn đây không?.
Các cụ trố mắt nhìn và nhận mặt quan huyện đúng là chàng trai đào ao ngày nọ. Họ tái mặt, chắp tay vái lạy xin lỗi quan. Quan huyện - tức Nguyễn Văn Giai - ôn tồn nói: Thôi, các vị đừng nên kiện tụng làm gì nữa! Cái ao ấy ta đào, nay cả 2 làng cùng hưởng dụng.
Các cụ y lời quan, từ đấy về sau 2 làng đối xử với nhau rất hòa thuận. Họ cùng lập đền thờ Nguyễn Văn Giai sau khi ông mất, gọi là đền Hầu Thượng Ngật.
Bỏ món ưa thích để chống tham nhũng
Nguyễn Văn Giai được chúa Trịnh Tùng cho làm Tán ký lục trong quân đội, với vai trò tham mưu kế sách quân sự, đóng góp công lao vào việc đánh bại nhà Mạc năm 1592. Năm 1608, ông được thăng làm Đô ngự sử.
Dưới thời chúa Trịnh Tùng, có vị Quận mã là con rể của chúa đánh giặc nhưng lại bỏ chạy. Nguyễn Văn Giai theo luật định liền bắt vị Quận mã này giam vào ngục chờ ngày xử tử.
Chúa Trịnh thương con rể nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Quận chúa (vợ của Quận mã) muốn cứu chồng nhưng biết Nguyễn Văn Giai làm quan thanh liêm, không có cách nào thuyết phục được, nên mang vàng bạc nhờ vợ của ông nói giúp.
Vợ ông không nhận, nói rằng chồng mình rất ghét của đút lót. Nhưng thấy Quận chúa nài nỉ, liền nói Quận chúa sáng mai đưa mâm xôi nếp cái, một con lợn nhỏ luộc chín đến để mình tìm cách nói giúp.
Sáng hôm sau người vợ cố tình làm bữa sáng muộn, khiến Nguyễn Văn Giai phải vội vào triều cho kịp buổi chầu mà không kịp ăn sáng. Ở nhà vợ ông chuẩn bị sẵn xôi thịt lợn cùng tương dấm đúng theo kiểu chồng thích.
Đến trưa tan buổi chầu, Nguyễn Văn Giai về nhà thấy có sẵn mâm xôi thịt lợn, đúng món mình thích thì ngồi ăn luôn. Ăn xong ông mới hỏi thì được vợ đáp là của Quận chúa mang sang. Ông giận lắm, nhưng lỡ ăn của Quận chúa mà không tha cho Quận mã thì không phải, mà muốn trả lại cũng không được.
Ông thầm nghĩ phải chăng Quận mã chưa đến số chết, đành vào phủ chúa xin tha chết cho Quận mã, chúa Trịnh mừng lắm cho thi hành ngay.
Từ đó Nguyễn Văn Giai luôn tự vấn lương tâm và quyết từ bỏ hẳn cái sở thích ăn xôi với món thịt lợn luộc chấm tương dấm. Hễ ngồi vào mâm thấy món nào lạ, ông lại hỏi cặn kẽ nguồn gốc rồi mới ăn.
Gia phả còn ghi lại lời ông răn bảo triều thần: “Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn. Ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy”.
“Ghìm cương” chúa Trịnh
Năm 1609, Nguyễn Văn Giai lại vâng mệnh lên Nam Quan hội khám cùng vua Lê. Sau khi tiếp kiến trở về, ông được thăng làm Tham tụng, Thượng thư bộ Lại, nắm việc cả sáu Bộ kiêm Đô ngự sử, Thiếu bảo, Lễ quận công.
Năm 1623, con thứ của chúa Trịnh Tùng là Trịnh Xuân gây biến. Vua Lê Thần Tông phải chạy vào Thanh Hóa. Nguyễn Văn Giai tham gia bày mưu giúp chúa Trịnh dẹp yên biến loạn. Sau đó ông có công cùng đi đánh Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng, được thăng làm Thiếu úy, gia phong Dực vận tán trị công thần, rồi thăng làm Thái bảo, được xem là người có công lao đứng đầu đương thời.
Dưới quyền cai quản của Nguyễn Văn Giai, triều đình Lê trung hưng còn giữ được sự thống nhất nội bộ, mặc dù xu hướng suy thoái đã không tránh được. Tuy không ngăn cản được Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông vào năm 1619, nhưng ông ra sức nắm cương triều chính, không để xảy ra chuyện lục đục, năm bè bảy mảng.
Để chia bớt quyền hành của chúa Trịnh, ông đã vận động lập ra Phủ Thừa tướng bên cạnh Phủ chúa, ngấm ngầm bảo vệ vua Lê. Vì nổi tiếng thanh liêm, được lòng dân lẫn quan nên chúa Trịnh rất kiêng nể Nguyễn Văn Giai.
Ông mất khi đang tại chức ngày 13 tháng 1 năm Mậu Thìn, tức 27 tháng 2 năm 1628. Triều đình truy tặng ông là Đại tư đồ, thụy là Cẩn Độ.
Là một vị đại khoa, nhưng sử liệu không thấy nhắc đến các tác phẩm văn chương của Nguyễn Văn Giai. Giới nghiên cứu cho rằng, có thể vì sống trong thời ngổn ngang thế sự, ông chỉ mải mê lập công, lập đức mà không chú ý lập ngôn.
Tuy nhiên, có 4 bài thơ được cho là do Nguyễn Văn Giai sáng tác. Trong đó, có bài ông viết từ thuở còn hàn vi có tên “Nằm co”: Ba gian nhà cỏ một mình truồng/Rét phải nằm co há phải cuồng/Cá nọ xẹp vi miền Bắc hải/Rồng kia uốn khúc chốn Nam dương/Lòng trung hiếu, bo còn giữ/Hội công danh, cuốn chửa giương/ Có khuất bao nhiêu thì có duỗi/Ra xuân đầm ấm sẽ buông tuồng.