Xây dựng phương án thu hồi vốn
Chiều 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trên tuyến cao tốc này có 11 dự án thành phần, gồm 6 dự án đầu tư công và 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP. Trong 5 dự án thành phần, đến 5/10/2020, chỉ có 3 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, còn 2 dự án (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu) không có.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị chuyển đổi 2 dự án nói trên từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công, theo nguyên tắc không vượt quá nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án. Theo ông Thể, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, và sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước tương tự cơ chế đối với 6 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có hai loại ý kiến khác nhau về việc xử lý 2 dự án này. Thường trực Ủy ban cho rằng, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án. Do đó, Thường trực Ủy ban tán thành với đa số ý kiến lựa chọn việc chuyển đổi hình thức đầu tư. Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, nhất trí thông qua nghị quyết chuyển đổi hai dự án thành phần sang đầu tư công.
Kiến nghị xử lý 353.733 tỷ đồng
Chiều qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo ông Phớc, trong nhiệm kỳ, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.
KTNN cũng cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản. Trong nhiệm kỳ, số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, lưu ý, vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện. Do vậy, KTNN cần đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để tình trạng này. Trường hợp cần thiết, cần tổng hợp danh sách đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kiến nghị của KTNN, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc công khai báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên, hiệu quả, tính lan tỏa vẫn còn hạn chế. “KTNN cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN”, ông Hải nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các báo cáo của KTNN được đại biểu Quốc hội rất tin tưởng, làm cơ sở thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng về kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách. “KTNN chỉ tuân thủ pháp luật, chứ không theo ai. Đúng thì nói đúng, không đúng nói không đúng”, bà Ngân nhấn mạnh.
Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua 2 dự thảo: Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HÐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND trong bầu cử bổ sung; và Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.