Bảo Lâm - Cao Bằng: Nâng cao hiệu quả đầu tư công để giảm nghèo

GD&TĐ - Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại của huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) là 70.187,597 triệu đồng bằng 44,87% số vốn. Đến nay huyện Bảo Lâm đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân phát triển cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn và phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, hướng tới xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình nuôi bò thương phẩm
Mô hình nuôi bò thương phẩm

Cụ thể, nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là: 16.734,674 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là: 131.708,00 triệu đồng, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là: 66.562,00 triệu đồng, chương trình 135 là: 16.321,00 triệu đồng, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là : 48.825,00 triệu đồng.

Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là: 11.934,674 triệu đồng (trong đó tỉnh Cao Bằng bố trí: 4.236,674 triệu đồng, huyện Bảo Lâm bố trí: 7.608,0 triệu đồng). Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 600,0 triệu đồng. Nguồn vốn tăng thu từ đất: 2.500,0 triệu đồng. Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 1.700,0 triệu đồng.

Đầu tư công có tác động rất lớn đối với giảm nghèo, cụ thể đầu tư công trực tiếp làm tăng thu nhập cho người nông dân thông qua tăng năng suất sản xuất. Tạo việc làm cho người lao động, từ đó người dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Mô hình vườn ươm keo lai giúp người dân có thêm việc làm và nâng cao thu nhập
Mô hình vườn ươm keo lai giúp người dân có thêm việc làm và nâng cao thu nhập

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm vì một số những lý do như chủ đầu tư ở các xã chưa chủ động trong triển khai thực hiện dự án làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung của huyện. Các công trình do UBND các xã, thị trấn thực hiện có quy mô nhỏ, chưa chủ động thanh toán khối lượng theo tiến độ thi công.

Dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực của các nhà thầu, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao. Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 số vốn phân bổ cho các công trình khởi công mới chiếm tỷ lệ lớn.  Các dự án phải thực hiện điều chỉnh dự toán theo các quy định hiện hành, thực hiện đấu thầu mất một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, huyện Bảo Lâm cũng quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Tuy nhiên, kết quả của việc thu ngân sách trên địa bàn huyện 8 tháng đầu năm còn thấp so với tiến độ đã đề ra, một số khoản thu còn đạt thấp so với dự toán.

Việc thu ngân sách từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh (33,42%), thu tiền sử dụng đất (40,88%), thu phí, lệ phí (45,48%), thu lệ phí trước bạ (31,98%). Do các khoản thu này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu dự toán thu ngân sách năm 2020 của huyện Bảo Lâm do đó kéo theo tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp.

Nguyên nhân được cho là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, tình hình giải ngân 8 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thấp ảnh hưởng đến các nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh.

Cây sả Java được người dân chú trọng phát triển mang lại nguồn thu ổn định
Cây sả Java được người dân chú trọng phát triển mang lại nguồn thu ổn định

Các cơ quan, ban ngành của huyện chưa đề ra các giải pháp cụ thể, các biện pháp quyết liệt và chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong công tác thu ngân sách và quản lý các đối tượng nộp thuế ngay từ đầu năm, dẫn đến một số đối tượng chây ỳ trong nộp thuế. Hoạt động cách ly xã hội đã khiến hầu hết các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Đến nay, mặc dù đã khống chế được dịch bệnh, nhưng sự phục hồi của các doanh nghiệp chậm, điều này ảnh hưởng đến hoạt động thu ngân sách.

Hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong năm 2020 thực hiện quy định mới trong công tác quản lý và thu thuế dẫn đến giảm thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân so với dự toán được giao.

Những giải pháp trên đã góp phần hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo thu ngân sách đúng hạn.

Như vậy, đầu tư công cho xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua đã giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập, nâng cao mức sống và chất lượng sống. Đồng thời, thông qua việc xây dựng nhiều công trình và thực hiện đồng bộ các chương trình phúc lợi xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa… cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở địa bàn nghèo, khó khăn. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng và thay đổi nhận thức của người dân.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ