Chuột cứu người - chuyện từ phòng thí nghiệm

Chuột cứu người - chuyện từ phòng thí nghiệm

Thí nghiệm… chuột bạch

GS.TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, trong cộng đồng khoa học, bộ gặm nhấm là đối tượng thí nghiệm phổ biến nhất. Những thí nghiệm khoa học sử dụng chuột đã có từ khoảng năm 1850. Các nhà nghiên cứu thường dùng chuột để làm thí nghiệm vì chúng dễ nuôi, sinh sản nhanh, vòng đời ngắn và đặc biệt có hệ gene gần giống người. Hầu hết các lĩnh vực chuyên ngành trong sinh học như giao tiếp sinh học (biocommunication), sinh lý học, sinh thái học, mô phôi tế bào, sinh hóa học, di truyền học, bệnh lý học, dịch tễ học và nhiều chuyên ngành trong y dược học đều sử dụng chuột làm đối tượng nghiên cứu, thử nghiệm.

Có đến 95% các nghiên cứu trên động vật ở Mỹ được thực hiện với loài gặm nhấm. Còn ở châu Âu, loài gặm nhấm chiếm 79% các thí nghiệm trên động vật.

Chuột thí nghiệm, thường được là chuột bạch. Đó là những con chuột nhắt thuộc loài Musmusculus. Chúng thường có bộ lông màu trắng.

Gene chuột giống người hơn… 90%

Chuột bạch được ví như “vị cứu tinh” của nhân loại trong các công trình nghiên cứu
Chuột bạch được ví như “vị cứu tinh” của nhân loại trong các công trình nghiên cứu 

Các gene của chuột bạch được giải mã để làm giàu ngân hàng gene, nhưng với mục đích chính là phục vụ cho con người. Chuột bạch còn được dùng để thử tác dụng bảo hộ và tác dụng phụ của vắc xin, thử tác dụng chữa bệnh của thuốc, các tia xạ; tác dụng và ảnh hưởng của một loại thức ăn…

Chuột có kích thước nhỏ và khá vô hại. Chúng là loài động vật dễ nuôi, không cần nhiều không gian sống. Tuổi thọ của chuột ngắn, chỉ trong một vài năm. Do đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu những thế hệ khác nhau của chúng dễ dàng.

Người và chuột có hệ gene giống nhau hơn 90%. Điều này khiến chuột trở thành con vật trung gian thích hợp, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách thức gene người phản ứng với những nhân tố môi trường tương tự. Ngoài yếu tố di truyền, hệ thống sinh học trong cơ thể chuột, chẳng hạn như các bộ phận cơ thể, cũng hoạt động rất giống con người.

Khi bạn thí nghiệm nhiều đối tượng – và nghiên cứu có thể sẽ tin cậy hơn khi thí nghiệm được tiến hành trên nhiều thế hệ đối tượng, chứ không chỉ một thế hệ đối tượng – thật khó có đối tượng thí nghiệm nào thắng được chuột. Sau nữa, chuột là động vật có vú, vì thế dù sao chúng cũng là những thành viên trong một gia đình.

Gene chuột dễ biến đổi

Cũng theo GS.TS Bùi Công Hiển, một trong những lý do quan trọng nhất là chuột dễ biến đổi gene. Các nhà khoa học có thể tác động đến một số gene nhất định của chuột, khiến chúng ở trạng thái bất hoạt hoặc chèn thêm đoạn ADN ngoại lai. Sau đó, họ quan sát thay đổi hành vi và sinh lý của chuột để tìm ra chức năng và cách thức gây bệnh của những gene này ở người.

Cho đến nay, không ai có thể chắc chắn đã có bao nhiêu con chuột được dùng trong các nghiên cứu và thí nghiệm. Nhưng kể từ năm 1965, số các trích dẫn khoa học liên quan đến chuột đã tăng gấp bốn lần. Trong khi hầu hết các đối tượng khác như chó, mèo, chuột lang, thỏ dùng trong nghiên cứu không hề tăng.

Dù có sự tương đồng về bộ gene song chuột không phải là loài có sự gắn kết chặt chẽ với con người. Một phần vì chúng không là loài động vật linh trưởng. Trong khi các loài linh trưởng có sự gắn kết rất chặt chẽ với con người về khía cạnh di truyền học (có thể nói giống nhau đến 99%). Nhưng việc sử dụng loài linh trưởng trong nghiên cứu vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi thì chuột được lựa chọn là một giải pháp tối ưu nhất cho các thí nghiệm.

Ngoài ra, chuột được sử dụng nhiều trong các thí nghiệm cũng bởi “thói quen”. Nếu một nhà khoa học lựa chọn dùng một loài động vật nhất định nào đó trong thí nghiệm, thường loài động vật đó cũng sẽ được lựa chọn khi tiến hành các thí nghiệm, nghiên cứu tương tự hoặc liên quan.

GS.TS Bùi Công Hiển đưa ra ví dụ về việc chứng minh tác dụng “bổ thận, tráng dương” của sâu chít (Brihaspa atrostigmella) ở Việt Nam. Theo đó, nhằm xác nhận việc một ông vua người Mông có 11 vợ, 83 tuổi vẫn mạnh khỏe, “nhất dạ, lục giao, sinh ngũ tử” nhờ ăn sâu chít, Phan Anh Tuấn (2015) đã dùng chuột để thử nghiệm.

Nghiên cứu cho thấy, tác dụng tăng cường sinh lực nam giới bước đầu cho kết quả khả quan trên động vật thí nghiệm. Dùng bột khô sâu chít đường uống 0,25g/ngày/100g trọng lượng trong vòng 40 ngày có tác dụng cải thiện rõ rệt các chỉ số sinh sản (số lượng, chất lượng tinh trùng, hàm lượng testosteron) ở chuột cống đực bình thường, chuột cống đực gây suy giảm sinh sản bằng stress. Với chuột cống đực trắng bị gây tổn thương tinh hoàn bởi nhiệt độ, sâu chít có tác dụng tăng trọng lượng tinh hoàn, tăng trọng lượng mào tinh, cải thiện mức độ giảm hàm lượng testosteron huyết thanh từ 1,072nmol/l lên 5,654nmol/l.

Một trong những mô hình nâng “thương hiệu” của Bộ môn Sinh lý bệnh nói riêng, Trung tâm Y sinh Dược học quân sự - Học viện Quân y nói chung, lên một bước, đó là mô hình ghép tạo khối ung thư người trên chuột thiếu hụt miễn dịch (nude mice). Đây là loại mô hình lần đầu được triển khai áp dụng thành công ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay. Công ty Biopharco Nha Trang đã dùng chủng CVSIP-II của Viện Biopharma-Indonesia để sản xuất vắc xin dại não chuột ổ tinh khiết. Vắc xin này đã đạt các tiêu chuẩn về công hiệu, an toàn, vô khuẩn và không gây độc.

Những điều khó tin về loài chuột

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, theo các tài liệu khảo cổ thì loài chuột xuất hiện trước loài người rất lâu. Các mẫu hóa thạch của các động vật có vú tương tự như động vật gặm nhấm đã xuất hiện rất nhanh sau khi khủng long bị tuyệt chủng, khoảng 65 triệu năm trước.

Theo các tài liệu ghi chép lại, vào giai đoạn tiền sử của thú gặm nhấm, đã có nhiều loài to lớn cực khủng. Chẳng hạn như loài hải ly khổng lồ (Castoroides), nặng hơn 100 kg, sống trong thế Pleistocen hay thế Canh Tân, cách 2,588±0,005 triệu năm về trước. Loài chuột có kích thước lớn trên đảo Flores, tuyệt chủng năm 1.500. Ngoài ra có một họ gặm nhấm (Heptaxodontidae) đã từng sinh tồn ở Tây Ấn, nặng hơn 200 kg, trong Pleistocene.

Tổng họ Chuột (Muroidea) là tổng họ lớn trong bộ Gặm nhấm, phân bố ở khắp nơi trên thế giới (trừ Nam Cực) và xuất hiện ở nhiều loại sinh cảnh khác nhau. Tổng họ Chuột cực lớn, bao gồm 6 họ, 19 phân họ, chừng 280 giống và ít nhất có 1.300 loài. Chuột là 1 tổng họ thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia) và có nguồn gốc tiến hóa gần với chồn bay (Scandentia).

Loài gặm nhấm to lớn nhất (Josephoartigasia monesi) đã biết, nặng 1.500 kg sống trong Pliocene đến Pleistocene sớm. Loài gặm nhấm to lớn thứ hai (Phoberomys pattersoni) đã biết, nặng 280 - 700 kg, sống trong Miocene.

Tục thờ chuột

Người Dao Tiền ở xã Tân Pheo, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình có tục ngày Tết, khi cỗ cúng ở ngôi miếu của bản bắt buộc phải có thịt chuột khô mới thiêng. Trên ban thờ ba ngày Tết cũng phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Chí Thanh thì tổ tiên xa xưa của người Dao Tiền khi đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói, rét, thức ăn vô cùng khan hiếm, còn chuột thì nhiều vô kể. Chính vì vậy, thịt chuột trở thành thức ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Sau này khi đã khấm khá, người dân trong bản không quên thuở xưa đói rét, nên lập miếu thờ và tôn chuột thành thần. Vào những ngày làm lễ cơm mới, hội làng hay cúng tổ tiên trên mâm cơm cũng không bao giờ thiếu thịt chuột khô.

Tuy vậy, theo GS Bùi Công Hiển, chuột được xếp vào nhóm sinh vật gây hại. Bởi vì chuột sống gần người thì phá hại đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, chúng cắn phá dây điện là nguyên nhân trực tiếp các vụ hoả hoạn, trên đồng ruộng chuột phá hại mùa màng... Khi nói đến tác hại của chuột không thể quên bệnh tật do chuột mang đến cho con người. Trong đó, đáng sợ nhất là bệnh dịch hạch. Được mệnh danh là “cái chết đen”, đại dịch hạch gieo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng trong lịch sử nhân loại.

Đại dịch này đã cướp đi nửa dân số châu Âu và giảm dân số toàn cầu từ khoảng 450 triệu người xuống còn từ 350 đến 375 triệu người vào năm 1.400. Có một giả thuyết cho rằng bệnh dịch hạch đã theo chuột qua con đường tơ lụa từ Trung Quốc vào Trung Á rồi tới châu Âu. "Cái chết đen" không bỏ qua một ai, từ người giàu có đến nghèo đói, từ tầng lớp quý tộc đến hạ lưu, thậm chí cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, từ nông thông đến thành thị, từ đất liền tới ngoài khơi.

Theo GS Bùi Công Hiển, loài chuột có ích trong nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhưng trong đời sống thì đây là loài gặm nhấm gây hại. Việc diệt chuột, ngăn chặn chúng phá hoại là điều dễ hiểu. Đó là lý do để các loại thuốc diệt chuột, các phương pháp diệt chuột ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.