Chương trình,sách giáo khoa mới: Vai trò "đầu tàu" của đội ngũ giáo viên cốt cán

GD&TĐ - Các địa phương đã rà soát đội ngũ, trong đó ưu tiên tối đa GV thực hiện Chương trình – SGK mới lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Đảm bảo 100% GV giảng dạy các khối lớp này được tập huấn đầy đủ.

Học sinh THCS huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).
Học sinh THCS huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Chủ động về đội ngũ

Bà Đinh Thị Phương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) cho biết: Ngành GD-ĐT địa phương đã rà soát, báo cáo nhu cầu giáo viên cần tuyển mới để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình SGK mới ở lớp 2 và lớp 6. Trong đó, thiếu nhiều nhất vẫn là GV môn Tin học và Ngoại ngữ. Nếu theo đúng tiến độ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và tuyển đủ số chỉ tiêu được giao, về cơ bản, đầu năm học 2021 – 2022, Sơn Hà sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu GV.

Tuy nhiên, phòng GD xác định tất cả GV dạy chương trình lớp 1, 2, 6 năm học 2021 – 2022 đều được tập huấn đầy đủ, nắm rõ các nội dung SGK mới cũng như các phương pháp, cách thức tổ chức dạy học hiệu quả nhất. Vì vậy, trước mắt, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học ưu tiên bố trí đủ GV cho khối lớp 1, lớp 2 và 6. Với những GV trúng tuyển mới sau kỳ thi tuyển dụng sắp tới, sẽ phân công giảng dạy ở các khối lớp khác.

Trong sáp nhập trường lớp, Sơn Hà cũng chú ý đến cơ cấu GV các bộ môn để làm sao, môn như Tin học, Ngoại ngữ, có thể phân công GV giảng dạy ở bậc tiểu học và THCS.

Giảng viên chủ chốt các trường ĐH sư phạm tiếp tục hỗ trợ giáo viên cốt cán trong bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà qua mạng.
Giảng viên chủ chốt các trường ĐH sư phạm tiếp tục hỗ trợ giáo viên cốt cán trong bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà qua mạng.

Khó khăn lớn nhất trong bồi dưỡng, tập huấn GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo bà Đinh Thị Phương, là chất lượng đội ngũ không được như kỳ vọng. “Rất may trong đợt tập huấn, bồi dưỡng thay sách lần này không như những lần trước. Việc bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, có sự hỗ trợ của đồng nghiệp là giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên cốt cán, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn đã hỗ trợ rất tốt cho việc phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên đại trà” – bà Phương nhận xét.

Để nâng cao năng lực của đội ngũ GV, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phòng GD&ĐT Sơn Hà đã trao quyền chủ động cho các hiệu trưởng trong tăng cường công tác kiểm tra nội bộ. Sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường/trường cũng được phát huy tối đa để “người giỏi dìu người chưa vững”.

Một thuận lợi trong bồi dưỡng, tập huấn giáo viên đại trà qua mạng, theo nhận xét của ông Bùi Thế Giới – Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) là sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên chủ chốt và giảng viên cốt cán cấp tỉnh đối với đồng nghiệp. Ông Bùi Thế Giới thẳng thắn thừa nhận: Đặc thù của địa phương vùng núi cao, khó khăn như Sơn Tây đa phần là GV trẻ, kinh nghiệm đứng lớp không thể bằng GV đồng bằng. Trong công tác tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cụm, sinh hoạt mạng lưới chuyên môn của phòng GD cũng không thuận lợi như ở vùng đồng bằng. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt với đội ngũ GV cốt cán  vô cùng quý báu.

Với những giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT Sơn Tây đã tham gia bồi dưỡng do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi tổ chức, ngoài việc phải bồi dưỡng lại cho GV đại trà, còn  cùng tham gia sinh hoạt cụm chuyên môn theo từng khối lớp, bậc học do phòng GD&ĐT tổ chức để hỗ trợ, gỡ khó cho GV.

Linh hoạt trong sắp xếp, tổ chức

Sở GD&ĐT Khánh Hòa phân quyền cho các phòng GD&ĐT quản lý, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ GV và cán bộ quản lý đại trà do phòng GD&ĐT quản lý.  Sở GD&ĐT Khánh Hòa cũng yêu cầu giáo viên cốt cán và án bộ quản lý (CBQL) cốt cán lập các nhóm Zalo có đầy đủ giáo viên đại trà và CBQL đại trà theo nhóm đã được phân công. Sở GD&ĐT lập nhóm Zalo với đội ngũ giáo viên cốt cán và CBQL cốt cán. Qua các nhóm Zalo này đã hỗ trợ tích cực, kịp thời cho công tác triển khai bồi dưỡng cho giáo viên và CBQL đại trà.

“Bên cạnh việc học online, GV và CBQL đại trà được hỗ trợ trực tiếp ở từng mô đun từ giáo viên chủ chốt và CBQL  trong quá trình tự nghiên cứu học tập. Chính vì vậy, hầu hết đội ngũ giáo viên đại trà và CBQL đại trà đều đánh giá việc triển khai bồi dưỡng trong lần đổi mới này của ngành GD thật sự hiệu quả và thiết thực” – đại diện Sở GD&ĐT Khánh Hòa chia sẻ.

Hiện nay, đội ngũ giáo viên đại trà ở cấp tiểu học, THCS và THPT của Khánh Hòa đã và đang học mô đun M3 trên hệ thống LMS dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của đội ngũ giáo viên cốt cán.

Đối với đội ngũ giáo viên đại trà cấp tiểu học, THCS sẽ hoàn thành việc bồi dưỡng mô đun M3 vào cuối tháng 5/2021. Đối với đội ngũ giáo viên đại trà ở các cơ sở giáo dục có dạy chương trình cấp THPT sẽ hoàn thành mô đun M3, M4 trong tháng 8/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tiếng Việt mùa nước lũ

GD&TĐ - 'Sao kê', 'phông bạt' là những tiếng lóng đang được thịnh hành trên mạng xã hội ở thời điểm này.