Chương trình “Tiếp sức người thầy”: Điểm tựa vững chắc của nhà giáo

GD&TĐ - Chương trình “Tiếp sức người thầy” được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang phối hợp với Sở GD&ĐT thực hiện từ năm 2011.

Chương trình Tiếp sức người thầy hỗ trợ cho cô Nguyễn Thị Phương Nga, GV Trường THCS Nguyễn Du, TP Rạch Giá.
Chương trình Tiếp sức người thầy hỗ trợ cho cô Nguyễn Thị Phương Nga, GV Trường THCS Nguyễn Du, TP Rạch Giá.

Đến nay, chương trình đã giúp đỡ, hỗ trợ cho gần 3.000 trường hợp nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn...

Những tấm lòng cao cả 

Đồng hành cùng đội ngũ nhà giáo, chương trình Tiếp sức người thầy được tỉnh Kiên Giang tổ chức để giúp đỡ những thầy cô giáo bị tai nạn, rủi ro, ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn... Kinh phí của chương trình từ sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục địa phương cùng sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm.

Chương trình có mức hỗ trợ từ 10 - 30 triệu đồng/trường hợp. Nhưng có khi, mức hỗ trợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Như trường hợp thầy Trương Văn Vui, nguyên là GV Trường Tiểu học Hồng Bàng (TP Rạch Giá). Khi biết được hoàn cảnh thầy Vui ở nhà thuê và phải nuôi người con tâm thần nên ngoài định mức chung, chương trình còn phát động rộng rãi. Kết quả là thầy Vui được hỗ trợ đến 120 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhà giáo đang công tác hoặc nghỉ hưu không may bệnh tật hiểm nghèo, vào các dịp lễ, tết, chương trình còn xét hỗ trợ GV có hoàn cảnh khó khăn, tùy từng trường hợp số tiền hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng. Chương trình cũng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho GV hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 20 - 30 triệu đồng/căn…Như trường hợp của thầy Trần Văn Đông, GV Trường Tiểu học Danh Coi, huyện An Minh.

Ngày 11/4/2020 nhà thầy Đông bị hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ và tài sản mà hai vợ chồng thầy đã chắt chiu trong suốt 20 năm qua. Hoàn cảnh gia đình thầy rất khó khăn khi có 2 con nhỏ, cha, mẹ lớn tuổi. Kịp thời hỗ trợ, chương trình Tiếp sức người thầy cùng Phòng GD&ĐT huyện An Minh, chính quyền địa phương, đồng nghiệp đến thăm và hỗ trợ cho gia đình thầy Đông số tiền hơn 25 triệu đồng và một số đồ dùng gia đình. Dịp này, lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh Kiên Giang tặng hỗ trợ nhà ở Mái ấm công đoàn 40 triệu đồng.

Cô Phan Thị Thu Hương, GV Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Rạch Giá) có hơn 32 năm dạy học. Chồng mất sớm, một mình cô nuôi 2 con ăn học. Cuộc sống khó khăn lại càng thêm ngặt nghèo khi cô phát hiện mắc bệnh hiểm. Ngay khi biết tin, chương trình Tiếp sức người thầy đã đến thăm hỏi và hỗ trợ cô Hương số tiền hơn 50 triệu đồng. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời này mà tôi có tiền chữa trị bệnh tật. Tôi thấy ấm lòng và có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, cô Hương chia sẻ.

Theo bà Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Kiên Giang, Phó Ban vận động Chương trình Tiếp sức người thầy: Gần 10 năm thực hiện, đến nay chương trình không ngừng phát huy hiệu quả. Tiếp sức người thầy có sức lan tỏa lớn từ trong nhà trường, kết nối đến cộng đồng xã hội cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục.

Ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, đơn vị chung tay giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong ngành Giáo dục. Có rất nhiều trường hợp GV hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ chương trình đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác…

“Một nghĩa cử, một tấm lòng vì đồng nghiệp”

Nhờ chương trình Tiếp sức người thầy, gia đình thầy Trần Văn Đông dựng lại được ngôi nhà sau khi bị hỏa hoạn.
Nhờ chương trình Tiếp sức người thầy, gia đình thầy Trần Văn Đông dựng lại được ngôi nhà sau khi bị hỏa hoạn.

Chương trình Tiếp sức người thầy của tỉnh Kiên Giang xuất phát từ nguyện vọng chăm lo cho đội ngũ nhà giáo có sự chung tay của 24.000 thành viên với phương châm: “Một nghĩa cử, một tấm lòng vì đồng nghiệp”. Khởi đầu chương trình, ban vận động kêu gọi nhà giáo đóng góp theo mức 1.000 đồng/người/tháng. Sau thời gian khởi động, thấy được hiệu quả và cần nhân rộng, thể theo nguyện vọng của tập thể, chương trình nâng mức đóng góp lên 2.000 đồng/người/tháng. 

Tuy mức đóng góp nhỏ nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Không chỉ hỗ trợ hàng ngàn cán bộ, GV vượt qua nghịch cảnh, qua đó, tổ chức Công đoàn ngành Giáo dục còn có thêm điều kiện sâu sát đời sống đoàn viên, cán bộ, GV. Công đoàn ngành cũng kịp thời quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cơ sở hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, GV... 

“Thông qua việc kêu gọi các tấm lòng hảo tâm từ xã hội, chương trình còn truyền thông điệp nhân văn sâu sắc đến mọi người, như lời nhắc nhở toàn xã hội quan tâm, giúp đỡ vật chất, tinh thần giúp các thầy cô giáo vượt qua thời điểm khó khăn nhất, ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó với nghề. Quan trọng hơn, chương trình góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, giáo dục lòng nhân ái cho HS thông qua việc làm ý nghĩa của đội ngũ nhà giáo” - bà Lâm Thị Mạnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Kiên Giang, Phó Ban vận động Chương trình Tiếp sức người thầy, chia sẻ.

Chương trình Tiếp sức người thầy ngày càng lớn mạnh. Năm học 2016 -2017, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự thống nhất của UBND tỉnh Kiên Giang, chương trình đã nâng mức đóng góp lên 1 ngày lương thực lĩnh/GV/năm với quy chế thu, chi rõ ràng, đúng quy định tài chính. Với nền tảng chắc chắn này, chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, là chỗ dựa vững chắc của đội ngũ nhà giáo tỉnh Kiên Giang.

Mỗi năm, vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chương trình Tiếp sức người thầy lên kế hoạch cho 15 huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức tặng quà cho những thầy, cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động tri ân đội ngũ nhà giáo, góp phần xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng toàn diện hơn…

Theo bà Lâm Thị Mạnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng Công đoàn Giáo dục tỉnh Kiên Giang đã quyết định tiếp tục nâng cao việc vận động tham gia chương trình trong ngành Giáo dục địa phương, nhằm chia sẻ, hỗ trợ kịp thời đồng nghiệp vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau giữ vững phẩm chất nghề giáo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...