Chương trình tài năng: Chính sách tốt mai mốt hút nhân tài

GD&TĐ - Nhiều năm qua, các trường đại học đã xây dựng thêm chương trình cử nhân tài năng trong hệ đào tạo để thu hút học sinh giỏi, nhằm nuôi dưỡng và bồi đắp nhân tài cho đất nước.

Các chương trình cử nhân tài năng tại ĐHQG TPHCM hỗ trợ chính sách gần như toàn diện cho sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Các chương trình cử nhân tài năng tại ĐHQG TPHCM hỗ trợ chính sách gần như toàn diện cho sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Yêu cầu cao về chất lượng nguồn tuyển

Hiện, chương trình cử nhân tài năng trong trường đại học đều đào tạo chính quy, có yêu cầu tuyển sinh đầu vào khá cao. Tại Viện Đào tạo quốc tế (ISB), Trường Đại học Kinh tế TPHCM, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS ≥ 5.5 hoặc TOEFL iBT ≥ 73 và điểm thi viết không dưới 5.0 hoặc trúng tuyển kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào do UEH – ISB tổ chức cùng kết quả học tập bậc THPT phải đạt loại giỏi (từ 8,0 điểm) mới có cơ hội trúng tuyển.

Tương tự, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật – UEL (ĐHQG TPHCM), chương trình cử nhân tài năng được triển khai thí điểm vào năm 2006 với 4 ngành học: Kinh tế học, Kinh tế đối ngoại, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán với gần 300 sinh viên. Giai đoạn 2018 - 2022, chương trình cử nhân tài năng vẫn duy trì với chỉ tiêu bình quân 60 thí sinh/năm.

Điều kiện để có cơ hội trúng tuyển là thí sinh phải có học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT. Ngoài ra, thí sinh cần có thêm các điều kiện như giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố (giải Nhất, Nhì, Ba, chọn giải thưởng cao nhất đạt được ở THPT); Các chứng chỉ kỳ thi quốc tế; Giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT.

“Giai đoạn 1 (2006 - 2011) có gần 300 sinh viên tốt nghiệp với tỷ lệ giỏi 76,67%, khá 23,33%. 100% sinh viên ra trường có việc làm tại các trường, viện, công ty lớn. Các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao những sinh viên thuộc chương trình đào tạo này. Đây là tín hiệu tốt cho mục tiêu chất lượng hóa nguồn nhân lực và nuôi dưỡng nhân tài của các trường đại học”, ThS Nguyễn Hải Trường An - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn tuyển sinh UEL nhìn nhận.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM)… cũng có điểm trúng tuyển, xét tuyển đầu vào của chương trình cử nhân tài năng, kỹ sư tài năng rất cao. Năm 2017, 4 đơn vị trên có 650 chỉ tiêu cho các chương trình tài năng (trường thấp nhất 60, cao nhất 330), đến năm 2021, chỉ tiêu là 750 (tăng thêm 100).

Tại Trường ĐH Bách khoa, sinh viên muốn xét tuyển vào chương trình cử nhân tài năng phải tích lũy từ 90% số tín chỉ theo chương trình đào tạo của các học kỳ trước khi xét vào chương trình tài năng. Điểm trung bình tích lũy lớn hơn 7,0 điểm. Điểm trung bình học kỳ gần nhất lớn hơn 7,5 điểm. Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên muốn có cơ hội trúng tuyển phải đạt mức điểm từ 25,50 - 26,50 điểm (3 bài thi tổ hợp).

Tại khối trường đại học ngoài công lập, chương trình cử nhân tài năng, học bổng cho sinh viên tài năng được triển khai linh hoạt và đa dạng hơn. Tuy vậy, tiêu chí chung vẫn phải là học sinh giỏi, xuất sắc, có tài. Ở Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, hàng năm cuộc thi tìm kiếm tài năng

Talent’s Show được nhà trường kết hợp với các trường THPT trên địa bàn TPHCM (hơn 40 trường) tổ chức tạo sân chơi cho học sinh giao lưu kết nối với sinh viên, từ đó tìm ra tài năng tương lai trao giải “Triển vọng trẻ”. Tại Trường ĐH Hoa Sen hàng năm đều có chương trình “học bổng tài năng” trao cho các tài năng xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Những suất học này ít hay nhiều theo quy mô từng năm với giá trị hàng tỷ đồng.

Trường ĐH Hoa Sen trao học bổng tài năng cho thí sinh có thành tích học tập và tài năng đặc biệt xuất sắc.
Trường ĐH Hoa Sen trao học bổng tài năng cho thí sinh có thành tích học tập và tài năng đặc biệt xuất sắc.

Chính sách khuyến học - khuyến tài là lực hút

Việc lựa chọn một số ngành, chuyên ngành quan trọng để tập trung phát triển cũng như xây dựng chính sách hút người giỏi vào học là giải pháp quan trọng để giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng.

“Đào tạo cử nhân tài năng là một trong những đề án trọng tâm thực hiện nhiệm vụ chiến lược của ĐHQG TPHCM. Mục tiêu của chương trình tập trung vào việc tuyển chọn và phát triển các sinh viên ưu tú, thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ đầu ngành cho các đơn vị sản xuất, hoạt động kinh tế, cán bộ giảng dạy cho trường đại học, cao đẳng tại TPHCM và cả nước.

Đây là đề án được thực hiện với chính sách tài chính ưu đãi sử dụng đầu tư của Nhà nước. Sinh viên được học thêm các học phần nâng cao; một số môn học thiết kế riêng cho sinh viên tài năng nhằm phát triển kỹ năng lãnh đạo, nghiên cứu khoa. Ngoài ra, sinh viên tham gia chương trình còn được hỗ trợ riêng về học bổng, giáo trình tài liệu, nghiên cứu khoa học, kiến tập thực tập...”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM chia sẻ.

Với chính sách thu hút người giỏi, sinh viên chương trình đào tạo cử nhân tài năng của ĐHQG TPHCM được cấp học bổng hằng tháng, được vay tiền để có nguồn tài chính hỗ trợ học tập, bố trí chỗ ở miễn phí trong ký túc xá. Ngoài ra, sinh viên được tạo điều kiện tiếp xúc các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ đơn vị này; được ưu tiên cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, sử dụng phòng máy vi tính chuyên dụng, tài liệu thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập.

Tương tự, tại Viện ISB - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng, mỗi năm, sinh viên chương trình ISB BBus có thành tích học tập xuất sắc được nhận các suất học bổng có giá trị lần lượt là 150%, 100% và 50% mức học phí hằng năm. “Học bổng được xét dựa vào điểm trung bình năm học và sinh viên không có học phần nào phải học lại, thi lại (điểm trung bình xét học bổng từ cao xuống thấp và thay đổi theo từng năm học), hạnh kiểm, điểm rèn luyện tốt, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội... Viện ISB cũng có chính sách thu hút đặc biệt với tân sinh viên, có thành tích học tập đặc biệt”, PGS.TS Minh Quân nói.

Ở ĐH Hoa Sen ngoài học bổng tài năng (100% học bổng), nhà trường còn có hàng loạt học bổng khuyến khích và nuôi dưỡng tài năng khác như: Học bổng Sen ưu tú bao gồm 3 loại hình (Sen ưu tú Bạch Kim dành cho thí sinh có thành tích học tập giỏi, năng lực về ngoại ngữ, đam mê và yêu thích 1 trong 45 ngành, chương trình đào tạo thuộc bậc đại học chính quy của Hoa Sen. Học bổng ưu tú Sen Vàng, dành cho thí sinh có thành tích học tập nổi bật trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngôn ngữ, sáng tạo… có năng lực về ngoại ngữ).

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - khẳng định: Học bổng tài năng không chỉ tiếp bước cho các tài năng thật sự có cơ hội phát triển, học tập. Quan trọng hơn, sự quan tâm chăm chút các “hạt mầm” tài năng trong môi trường đại học giúp chúng ta có được thế hệ nhân tài thực sự trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đất nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ