Giáo viên nỗ lực vừa nâng chất vừa vượt khó triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Trong năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên TH, THCS trên cả nước đã linh hoạt trau dồi chuyên môn giảng dạy. Trước thềm năm học 2021-2022, vẫn còn không ít khó khăn đặt ra cho các trường.

Cô và trò Trường Tiểu học xã Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: NTCC.
Cô và trò Trường Tiểu học xã Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: NTCC.

Làm chủ kiến thức bồi dưỡng

Nằm ở huyện nghèo Tu Mơ Rông, nơi điều kiện còn thiếu thốn song Trường Tiểu học xã Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, đã nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Đến nay, giáo viên đại trà đã hoàn thành 3 mô đun về “Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018”; “Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”; “Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

Hiệu trưởng Hồ Thị Thuỳ Vân cho biết nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tập trung vào chuyên môn cho giáo viên dạy lớp 1 từ đầu năm học 2020-2021. Trong năm, trường đã tổ chức tập huấn, mở lớp chuyên đề, chuyên đề hè, từ đó, giáo viên có thể nắm chắc kỹ năng, phương pháp dạy học phù hợp với tình hình của học sinh trên địa bàn. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, 100% giáo viên nhà trường đã nắm được chương trình GDPT mới.

Thầy cô Trường TH xã Đăk Hà thường tự học vào buổi tối. Thời gian đầu, điều kiện Internet hạn chế nên thầy cô khó ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng kiến thức. Nhà trường và chính quyền địa phương đã phối hợp lắp đặt WiFi cho giáo viên. Sang năm thứ 2 triển khai chương trình mới, thầy cô có thể yên tâm học hỏi, nghiên cứu, từ đó, áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy.

Thầy Nông Mã Trãi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thông Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, cho biết giáo viên nhà trường đã hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng. Quá trình bồi dưỡng trực tuyến với chuyên gia, thầy cô chủ yếu học theo tài liệu, chưa có bản cứng của sách giáo khoa.

Vì chỉ nhìn qua hình ảnh, thầy cô còn gặp khó khăn khi đối chiếu, so sánh giữa chương trình GDPT mới và chương trình cũ. Quá trình tập huấn trực tuyến, việc phản hồi còn gặp hạn chế. Nhưng với tinh thần chủ động, đội ngũ giáo viên trẻ tuổi, có khả năng bắt nhịp nhanh với công nghệ, thầy cô đã cùng nhau nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy theo chương trình mới.

Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học xã Đăk Hà. Ảnh: NTCC.
Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học xã Đăk Hà.
Ảnh: NTCC.

Trăn trở trước thềm năm học mới

Theo cô Vân, trong 3 ngày từ 14-16/6, giáo viên dạy lớp 2 và một số giáo viên trường sẽ tham gia lớp tập huấn thay sách giáo khoa theo chương trình GDPT mới do Sở GD&ĐT Kon Tum tổ chức. Năm học này, nhà trường dự kiến có 7 lớp 2 với 10 giáo viên đứng lớp. Ngoài số này, các thầy cô dạy lớp 3, 4, 5 cũng hăng hái, tích cực tham gia bồi dưỡng để chuẩn bị cho những năm học tiếp theo.

Cô Vân chia sẻ: Hầu hết học sinh trường thuộc hộ nghèo nên việc trang bị đồ dùng học tập còn hạn chế. Mặt khác, phụ huynh chưa thực sự quan tâm việc học của con cái, dẫn đến tình trạng học sinh sáng đến lớp, chiều bỏ về hoặc dừng đến trường.

Để có thể triển khai hiệu quả chương trình mới, bên cạnh việc vững chuyên môn, thầy cô nhà trường còn phải tìm cách “giữ chân” trò. Cô Vân đã cùng đồng nghiệp tổ chức nấu cơm bán trú để học sinh ở lại trường cả ngày. Đồng thời, thầy cô đến nhà học sinh giải thích, động viên phụ huynh cho con trở lại trường học.

Năm học vừa qua, huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ nhà trường thành lập tủ sách dùng chung. Cô Vân bày tỏ hy vọng trước thềm năm học mới, các mạnh thường quân có thể tham gia cùng nhà trường, chính quyền địa phương trang bị sách giáo khoa lớp 2 cho học sinh.

Nằm ở trung tâm huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Trường Tiểu học Đông La đã trang bị 2 phòng Tin học với 70 dàn máy. Trong 10 năm qua, học sinh từ lớp 1 được học môn Tin học tự chọn theo chương trình hiện hành.

Hiệu trưởng Trần Thị Hiền cho biết, với lộ trình của chương trình GDPT mới, năm học 2022-2023 triển khai môn Tin học bắt buộc với học sinh từ lớp 3, nhà trường đã chuẩn bị trang thiết bị tương đối đầy đủ.

Song cô Hiền bày tỏ lo lắng, hiện tại giáo viên môn Tin học theo biên chế của trường không có, nguồn nhân lực dài hạn cho môn học này là khan hiếm. Để triển khai môn Tin học bắt buộc, nhà trường phải tăng cường tìm kiếm, tuyển chọn giáo viên có trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chương trình mới.

Cô Hiền cho biết, trong quá trình triển khai chương trình mới, trường đã đạt được một số thuận lợi nhất định. Hiệu trưởng, giáo viên cốt cán nhà trường tham gia tập huấn từ những buổi đầu tiên nên có thể hỗ trợ kịp thời cho giáo viên đại trà. Những năm gần đây, nhà trường đã khuyến khích giáo viên xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng phát triển năng lực nên thầy cô có thể đẩy nhanh việc tự học, tự bồi dưỡng theo chương trình mới.

Tuy nhiên, không chỉ môn Tin học, nhà trường đang thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn văn hóa từ lớp 1-5. Trong khi đội ngũ giáo viên đang già hoá, với độ tuổi trung bình là 44,4, khiến việc tiếp cận bồi dưỡng trực tuyến gặp nhiều khó khăn.

"Để khắc phục khó khăn, các tổ, nhóm của nhà trường phải liên tục sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học, tìm ra cái hay của chương trình mới và phương pháp truyền thụ hiệu quả. Hiệu trưởng, giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà cùng xem video, tài liệu học trực tuyến, từ đó thảo luận, học hỏi lẫn nhau để củng cố kiến thức", cô Trần Thị Hiền cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ