Tất cả sẽ được tái hiện sinh động trong chương trình nghệ thuật mang tên: “Rạng rỡ - Kiêu hùng: 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, được tổ chức lúc 20 giờ tối nay, ngày 16/12.
Từ “ngàn năm kiêu tráng”…
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
Khu vực sân khấu đền Bà Kiệu, phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - điểm hẹn văn hóa của thứ 6 tuần này sẽ lung linh ánh đèn sân khấu và dìu dặt những bản tình ca về Hà Nội. Cũng bởi, tại không gian này, văn nghệ sĩ Thủ đô sẽ cùng tề tựu trong chương trình nghệ thuật: “Rạng rỡ - Kiêu hùng”.
Đây là chương trình do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức từ ý tưởng của tạp chí Người Hà Nội và nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2022) của UBND thành phố Hà Nội.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Trưởng ban tổ chức, đêm nhạc sẽ được mở ra với những ca khúc “kể chuyện” “Hà Nội ngàn năm văn hiến”.
Khi đó, khán giả sẽ được hòa mình vào những ca khúc lắng sâu về Hà Nội - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, linh thiêng và hào hoa… Đó là một Hà Nội: “Địa linh đất rồng bay, bốn bề sông rộng bao quanh, tòa thành thiên nhiên vững bền… Thăng Long ngàn năm kiêu tráng, cho hôm nay Việt Nam ta bay lên, vút bay lên” trong ca khúc: “Thăng Long Việt Nam bay lên” (Sáng tác: Hồ Trọng Tuấn).
Cùng một Hà Nội: “Ôi kinh thành ngàn năm ngàn năm/ Qua nắng mưa thời gian thời gian/ Qua bão giông đạn bom đạn bom/ Vẫn uy nghiêm rêu phong rêu phong Hà Nội…” trong “Hà Nội linh thiêng hào hoa” (Sáng tác: Lê Mây).
Ở đó còn là những câu hát về Hà Nội đầy tình tứ, làm say lòng người trong muôn sắc hương của “Làng lúa làng hoa” (Sáng tác: Ngọc Khuê), “Sắc thắm đào Nhật Tân”, hát văn “Hà Nội ngàn năm văn hiến”…
Đến… “phất ngọn cờ sao chính nghĩa”
“Chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ - Kiêu hùng: 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một sự kiện văn hóa nghệ thuật góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước của quân và dân Thủ đô cũng như giáo dục thế hệ trẻ hôm nay vững bước cha anh.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức sẽ dành tặng những phần quà ý nghĩa để tri ân đối với các tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ đã được TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú” - NSND Trần Quốc Chiêm.
Chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ - Kiêu hùng” còn đưa khán giả hôm nay cùng ngược dòng thời gian trở về những ngày của tháng 12 lịch sử qua các ca khúc được viết cách đây nửa thế kỷ.
Đó là những tháng ngày bầu trời Hà Nội rực lửa bom đạn, nhân dân Thủ đô anh dũng, can trường chiến đấu với giặc lái B52 bằng tất cả ý chí, khát vọng bảo vệ chủ quyền, nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc để viết nên khúc ca chiến thắng vang dội.
Ngay trong những ngày bom đạn ấy, nhiều nhạc sĩ tài hoa đã viết nên những khúc ca hào sảng mà trữ tình. Như nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, ông đã viết ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trong đêm 27/12/1972 khi ông ở dưới hầm trú bom ở Hà Nội của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cái tứ bài hát được bắt đầu từ lời kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đêm 26/12: “…Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”.
Với nhạc sĩ Phan Nhân, ông đã khiến không ít người bất ngờ khi chia sẻ về hoàn cảnh ông viết ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.
Bởi lẽ, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và tàn khốc của 12 ngày đêm Hà Nội bị giặc Mỹ dội bom B52, vậy mà ông đã viết nên những giai điệu, ca từ mượt mà, lãng mạn mà lắng sâu vừa không quên khắc sâu tội ác của giặc Mỹ vừa đem đến cho người nghe niềm lạc quan về một Hà Nội căng tràn sức sống.
Và, cả hai ca khúc đã ở tuổi 50 này sẽ cùng vang lên trong đêm nhạc “Rạng rỡ - Kiêu hùng”. Khi đó, khán giả sẽ được bước vào khí thế ra trận của người Hà Nội đầy mạnh mẽ, hào sảng: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi/… Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?/Đâu chỉ vì non nước riêng này/Phất ngọn cờ sao chính nghĩa” (ca khúc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”).
Đồng thời, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn người Hà Nội – vẻ đẹp của những con người yêu chuộng hòa bình, mạnh mẽ bước ra từ cuộc chiến cùng niềm tin, tình yêu phơi phới: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời/Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô/Đường lộng gió thênh thang 5 cửa ô/Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau/Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/Của núi sông hôm nay và mai sau/Chân ta bước lòng ung dung tự hào/Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…” (ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”).
Cùng với đó, những ca khúc hay về Bác Hồ kính yêu, về Hà Nội hôm nay hòa nhịp cùng quê hương, đất nước trong khát vọng hiến dâng vì hòa bình như “Bác Hồ tình yêu bao la” (Sáng tác: Thuận Yến), “Nhớ về Hà Nội” (Sáng tác: Hoàng Hiệp), “Tự nguyện” (Sáng tác: Trương Quốc Khánh), “Mùa xuân trên quê hương” (Sáng tác: Hoài Mai), “Hãy đến với con người Việt Nam tôi” (Sáng tác: Xuân Nghĩa) cũng được trình diễn trong đêm nhạc.
Theo Ban tổ chức, việc kỹ lưỡng trong lựa chọn bài hát cũng như dàn dựng công phu và mời các nghệ sĩ tài năng như Hồng Thúy, NSƯT Hồng Nam, NSƯT Việt Thắng, Quốc Phòng, Phương Nhung, Đức Thọ, Trúc Mai, Thành Trung cùng nhóm hợp xướng, tốp ca nam nữ và Vũ đoàn Emmy… biểu diễn, chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ - Kiêu hùng” mong muốn đem đến cho khán giả một đêm nhạc ấn tượng, xúc động.