Không thể “đến đâu hay đến đó”
Từ năm học 2020 - 2021, Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng ở lớp 1; năm 2021 - 2022 áp dụng ở lớp 2 và lớp 6; năm 2022 - 2023 là áp dụng ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Việc hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông sẽ kết thúc vào năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Theo cô Nguyễn Kim Anh, vì thời gian không còn nhiều, nên bất cứ thầy cô nào nghĩ rằng mình chuẩn bị về tâm lý, còn việc thực làm “đến đâu hay đến đấy” sẽ không thể tiếp cận được. Nếu mỗi giáo viên không chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức cho sự thay đổi này sẽ gặp khó khăn, bỡ ngỡ khi Bộ GD&ĐT áp dụng lộ trình thay đổi trên.
Cô Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng, không thể nói giáo viên từng được đánh giá là giỏi và nhiều kinh nghiệm chắc chắn sẽ thành công. Với yêu cầu đổi mới, các giáo viên hoàn toàn bình đẳng trước những thách thức. Giáo viên lâu năm có kinh nghiệm, nhưng giáo viên trẻ lại có sự vươn mình của sức trẻ. Chính giáo viên có nhiều kinh nghiệm lại dễ “khoác” nhiều thứ vào bài, tăng yêu cầu về năng lực, nhưng vẫn không bớt yêu cầu về kiến thức, sinh ra một kiểu quá tải mới.
“Chính tôi cũng mắc lỗi này. Như vậy, tiếp cận chương trình mới cũng cần một quá trình, mà mỗi người thầy nếu không đủ tâm huyết dễ sinh ra căng thẳng, nản mệt. Vì vậy, theo chương trình mới, cần có một tâm thế rất mới. Mà tâm thế này, giáo viên trẻ lại thuận lợi hơn” – cô Nguyễn Kim Anh chia sẻ.
Không trao vai trò “độc tôn” cho kiến thức
Không phủ nhận cần có kiến thức, nhưng cô Nguyễn Kim Anh cũng nhấn mạnh việc không trao vai trò độc tôn - thống soái - duy nhất cho kiến thức. “Vì thực tế phát triển cho thấy, với lượng kiến thức khổng lồ, trò tiếp thu làm sao cho hết, làm sao cho kịp, và làm sao nhớ nổi. Người thầy cũng không cập nhật kịp để truyền thụ và sau 3 năm học đã có nhiều kiến thức mới hơn thay thế”.
Không chỉ thế, kiến thức đã có để truyền thụ thường gắn với kinh nghiệm đã qua, trong khi cần chuẩn bị cho người học sống và làm việc trong thời gian tới. Như vậy, việc giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức không còn phù hợp mà thay vào đó là việc phát triển năng lực.
“Để có năng lực, đương nhiên vẫn cần có kiến thức, nhưng kiến thức mới là một nửa, từ kiến thức phải biến thành năng lực mới là mục tiêu cuối cùng cần hướng đến. Vì vậy, từ lâu, các nhà giáo dục học đã nêu phương châm học gắn với hành”. Nói điều này, cô Nguyễn Kim Anh liên hệ tới công việc của người thầy và nhận định: Với xu hướng đổi mới ngày nay, thầy không phải là người dạy áp đặt, mà là người giúp học sinh biết cách học, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, biết tự tìm kiến thức và phân tích, tổng hợp, thầy dạy chuyển sang “thầy học”, tức là làm thầy về việc học.
Giáo viên cần phát huy vai trò làm chủ kiến thức trong Chương trình GD phổ thông mới |
“Người thầy là người bạn dẫn lối, đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý. Công việc truyền thụ kiến thức mà trước đây chủ yếu từng người thầy phải làm nay sẽ tiến đến phần lớn nhờ công nghệ thông tin thực hiện. Với cá nhân tôi, đứng trước mỗi bài dạy, tôi suy nghĩ về điều gì sẽ thiết thực với học sinh sau tiết học này. Khoảng 10 năm trước, chúng tôi thường quan tâm dạy được cho học trò bao nhiêu kiến thức mới lạ. Tôi thường lấy việc phát hiện mới về kiến thức để tự hào.
Đến nay, chúng tôi nghĩ đến học sinh sẽ làm được gì với kiến thức đó. Ví dụ: Môn Ngữ văn mà tôi dạy, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú có thêm một phần cuối cùng của bài, đó là bài học cuộc sống để học sinh cùng tìm ra sự kết nối giữa văn học với cuộc đời. Đó là hành trình chúng tôi đã thực hiện nhiều năm. Hiện tại, đứng trước chương trình chú trọng phát triển năng lực, chúng tôi thấy cần phải tìm hiểu học sinh đã có gì trước khi học bài. Nghĩa là đề cao nền tảng trước khi tiếp nhận kiến thức. Sau bài học, mới tìm ra những điều thu hoạch gắn kết với thực tế” – cô Kim Anh chia sẻ kinh nghiệm.
Cần hiểu đúng, rõ về mục tiêu của chương trình mới
Chia sẻ về chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Nguyễn Kim Anh cho rằng, ưu tiên đầu tiên của mình là hiểu đúng và rõ về mục tiêu của chương trình 2018, yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Sau đó, cụ thể hóa và đưa vào các bài dạy. “Điều này là cần thiết nhưng cũng không thể làm ngày một, ngày hai như mong muốn. Vậy nên, tôi và các thầy cô giáo luôn tự rèn, rút kinh nghiệm sau mỗi giờ dạy từ bây giờ” – cô Kim Anh cho hay.
Tuy nhiên, cô Kim Anh cũng lưu ý, giáo viên cũng cần cảnh giác với việc hiểu máy móc là “ốp” đủ các phẩm chất, năng lực cho một bài giảng. Làm vậy, dễ bị ôm đồm hoặc “vẽ rắn thêm chân”. Nên có xác định về phẩm chất, năng lực trọng tâm của bài đó.
Nói rộng hơn về chuẩn bị của Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, cô Kim Anh chia sẻ: Ở đây, giáo viên được đổi mới và sáng tạo, không có sự khô cứng, áp đặt nào, tất cả vì học sinh. Ban giám hiệu luôn khuyến khích tạo sinh khí cho mỗi giờ dạy, “không bỏ rơi học sinh nào trong lớp”. Để làm được như vậy, giáo viên cần không ngừng sáng tạo. Chuẩn bị bước vào lớp, mỗi thầy cô phải ngầm trả lời được các câu hỏi: “Tiết này sẽ có gì hấp dẫn?”, “Làm gì để học sinh không bị buồn ngủ?” và “Nếu học sinh vẫn buồn ngủ thì có cách nào “đánh thức” các em?”...
Với sự chuẩn bị từ sớm, đặc biệt, đã có đến năm học thứ 6 xây dựng và phát triển chương trình nhà trường, Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa có tiền đề thuận lợi để khi bước vào Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên của nhà trường không bị lúng túng. Còn khó khăn, đó là sự nâng bậc của những nhận thức, cũng như hành động của một nhà trường đã áp dụng nhiều năm.
“Tôi xin khẳng định, không có chương trình nhà trường nào làm một lần cho mãi mãi. Năm nào chúng tôi cũng phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, 6 năm học qua, chương trình nhà trường của chúng tôi không ngừng phát triển và hoàn thiện.
Lần này, trong sự đổi mới của các nhà trường trên toàn quốc, lãnh đạo và giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã quen với việc thiết kế và thực hiện chương trình của nhà trường, nhưng không thể nói là đủ so với yêu cầu. Cũng nhờ sự đổi mới đồng bộ và là kết quả của những nghiên cứu cấp Bộ, nên những đổi mới của chúng tôi gặp được “đường sáng”, “đích lớn” để thêm vững tin” – cô Nguyễn Kim Anh chia sẻ.