Nghiên cứu khoa học gắn nhiều hơn với thực tế
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Thư ký khoa học của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, ngay sau khi được phê duyệt, các đề tài đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện, bám sát mục tiêu, nội dung, kế hoạch nghiên cứu theo thuyết minh và hợp đồng được phê duyệt cũng như yêu cầu đột xuất của lãnh đạo Bộ, Ban chủ nhiệm Chương trình, các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT.
Nhiều đề tài đã cung cấp cho Bộ GD&ĐT những luận cứ vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành chính sách đổi mới GD-ĐT.
Cụ thể, đến hết tháng 10/2020, các đề tài, đề án của Chương trình cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm nước ngoài để phục vụ việc xây dựng, ban hành: 2 Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng; 2 Luật (Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH); 1 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; 22 Thông tư và Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác…
Đồng thời, nhiều vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục, như đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam; phòng chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức lối sống; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở đào tạo giáo viên; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030; chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao, trình độ cao… cũng được triển khai nghiên cứu bài bản và bước đầu chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, sử dụng.
“Điều đó cho thấy, nghiên cứu khoa học đã gắn với thực tế nhiều hơn, khẳng định bước tiến rất lớn và hướng đi đúng của Chương trình” – GS.TS Lê Anh Vinh nhận định.
Gần 200 bài báo khoa học từ kết quả nghiên cứu
GS.TS Lê Anh Vinh cũng cho biết: Có 1.225 lượt chuyên gia, cán bộ khoa học tham gia thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 về “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”; trong đó có 48 giáo sư, 226 phó giáo sư, 299 tiến sĩ, 261 thạc sĩ. Hàng nghìn lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, sinh viên, học sinh được đào tạo, tập huấn thông qua việc triển khai các đề tài, đề án khoa học thuộc Chương trình.
Kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án cũng đã công bố 156 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học trong nước, hơn 40 bài trên tạp chí khoa học nước ngoài; 142 bài đăng trên kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước, 14 bài tại các hội thảo khoa học quốc tế. Các đề tài thuộc Chương trình đồng thời đào tạo thành công 48 thạc sĩ và góp phần đào tạo 20 nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, hơn 200 hội thảo, tọa đàm khoa học do các đề tài, đề án khoa học phối hợp với cơ quan, đơn vị xây dựng, hoạch định chính sách được tổ chức. Những ý kiến thảo luận, kiến nghị tại hội thảo, tọa đàm đã cung cấp những thông tin quan trọng hỗ trợ các đơn vị trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quản lý, chỉ đạo ngành; 13 dự thảo chuyên khảo đang được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Chương trình đã phối hợp với các đơn vị tổ chức một số tọa đàm, hội thảo. Kết quả của hội thảo, tọa đàm này đóng góp vào thảo luận chính sách về các vấn đề trọng tâm với phát triển giáo dục Việt Nam và khu vực, tập trung vào cơ hội, thách thức nảy sinh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt bối cảnh của dịch bệnh Covid-19.