PGS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - đã thay mặt nhóm nghiên cứu chia sẻ về nội dung này trong hội thảo khoa học “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT: Thành tựu và thách thức” diễn ra ngày 18/9.
Cần tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia
Cho rằng tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia để đảm bảo tính ổn định, phát huy những điểm tích cực, nghiên cứu cũng khuyến nghị cần bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích hợp; hoàn thiện kĩ thuật. Đồng thời, điều chỉnh văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giám sát; phát huy triệt để tính ưu việt của bài thi chuẩn hoá: bảo mật tối đa cho câu hỏi đã chuẩn hoá, sử dụng điểm năng lực.
Nên công khai dạng thức và đề thi trên mạng, học sinh có thể tự đánh giá các năng lực cơ bản; thực hiện xét tốt nghiệp kết hợp giữa điểm tích luỹ môn học và đánh giá năng lực cơ bản.
Liên quan đến tuyển sinh ĐH, CĐ, nghiên cứu cho rằng cần phát huy tối đa quyền tự chủ tuyển sinh, cụ thể: khuyến khích các trường xây dựng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan đến ngành đào tạo; nghiên cứu chính sách hoạt động cho các trung tâm khảo thí độc lập dưới sự giám sát của Cục Quản lý chất lượng.
Thi THPT quốc gia có chuyển biến tích cực
Kết quả nghiên cứu nhận định: Định hướng về thi THPT và tuyển sinh đại học được nghiên cứu, triển khai bước đầu có hiệu quả. Thi THPT quốc gia có chuyển biến tích cực; theo đó, đánh giá toàn diện, giảm áp lực xã hội, hình thức thi có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam
Tuy nhiên, việc tổ chức kì thi THPT quốc gia vẫn còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai, kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định.
Số học sinh trên lớp học quá đông sẽ khó triển khai đổi mới
Kỳ thi THPT quốc gia là một nội dung trong nghiên cứu về đổi mới kiểm tra đánh giá của ĐHQG Hà Nội. Nghiên cứu này chỉ ra rằng: Nghị quyết 29 được thể chế hoá bằng chính sách ở tất cả bậc đào tạo: Trọng tâm định lượng sang trọng tâm định tính ở bậc tiểu học; Đánh giá tổng kết – đánh giá quá trình, bám sát chuẩn đầu ra đối với bậc trung học và đại học.
Duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh. Theo đó: Tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện: tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn; đa dạng hoá loại hình kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đánh giá quá trình thay vì chỉ tập trung vào đánh giá tổng kết. Việt Nam đã tham gia vào các kì thi đánh giá diện rộng quốc tế: PISA, PASEC...
Một số tồn tại, rào cản về kiểm tra đánh giá cũng được chỉ rõ trong nghiên cứu này. Đó là việc thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá: Chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức; số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; tâm lí thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.
Năng lực kiểm tra đánh giá của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới: Chuẩn giáo viên trước đây chưa chú trọng phát triển năng lực kiểm tra đánh giá; một bộ phận giáo viên giữ thói quen cũ, ngại thay đổi; một số chương trình đào tạo giáo viên trước đây chưa có chuyên đề riêng biệt về kiểm tra đánh giá.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị thể chế hoá chính sách, kèm văn bản hướng dẫn, hỗ trợ nguồn lực đảm bảo tính khả thi: Đồng bộ chương trình và chính sách kiểm tra đánh giá; quy định về số lượng HS/lớp phù hợp với đánh giá năng lực; đẩy mạnh công tác tư vấn, phân luồng, giảm áp lực thi cử.
Đồng thời, nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, đặc biệt là năng lực kiểm tra đánh giá, như: Tăng cường các chương trình tập huấn về đánh giá theo định hướng năng lực; đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng giáo viên cốt cán, lan toả nhanh đến đội ngũ giáo viên; đổi mới hình thức tập huấn, đẩy mạnh trực tuyến, đảm bảo việc triển khai đồng bộ.