Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch

GD&TĐ - Bảo đảm các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch, tập trung vào tỷ lệ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.

Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch

Đó là một trong các nội dung tại Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, ít nhất 75% dân số cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được đăng ký và cấp Giấy khai sinh; tỷ lệ này đến năm 2024 là 85%.

Đến năm 2022, số liệu thống kê hàng năm về tỷ lệ khai sinh (có phân loại theo tuổi của mẹ, giới tính của trẻ, khu vực địa lý, đơn vị hành chính) được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác; đến năm 2024, ít nhất 80% các ca tử vong xảy ra ở các cơ sở y tế hoặc có sự theo dõi của nhân viên y tế có giấy chứng nhận về nguyên nhân chính gây tử vong phù hợp với tiêu chuẩn của Phân loại bệnh quốc tế (phiên bản mới phù hợp)...

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia

Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia được thành lập do lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, thành viên là đại diện Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành có liên quan gồm: Văn phòng Chính phủ; Bộ Y tế (Tổng cục Dân số, Vụ Kế hoạch - Tài chính); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Bộ Tài chính.

Ban Chỉ đạo sẽ chịu trách nhiệm điều phối, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện; giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền; tổng hợp, báo cáo kết quả và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký và thống kê hộ tịch. Cụ thể, xây dựng văn bản quy định về việc khai thác, sử dụng, chia sẻ thông tin, dữ liệu đăng ký hộ tịch; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến; ban hành biểu mẫu giấy chứng sinh, chứng tử, khai sinh, khai tử đủ các tiêu chí phù hợp thông lệ quốc tế; quy định chế độ báo cáo, thống kê số liệu đăng ký hộ tịch; cơ chế kiểm tra, phối hợp, thống nhất dữ liệu giữa các ngành liên quan; cơ chế phối hợp cung cấp dữ liệu sinh, tử giữa ngành Y tế và ngành Tư pháp; sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký, thống kê hộ tịch.

Hiện đại hoá phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch

Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ tiến hành việc cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; hiện đại hoá phương thức đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó, xây dựng và triển khai thực hiện Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Ủy ban nhân dân các cấp trang bị cơ sở vật chất (máy tính, mạng internet, máy in) phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập, thống kê dữ liệu sinh, tử của các cơ sở y tế, bảo đảm kết nối, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời giữa ngành Y tế và ngành Tư pháp.

Nghiên cứu, đề xuất đổi mới, hoàn thiện tổ chức hệ thống cơ quan làm công tác đăng ký hộ tịch, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả; nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng bổ trợ; nâng cao nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch; nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, xã hội về ý nghĩa, vai trò của đăng ký, thống kê hộ tịch.

Hoàn thiện mô hình xác định nguyên nhân tử vong, cấp chứng nhận tử vong của cơ quan y tế, kể cả các trường hợp tử vong ngoài cơ sở y tế; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, chứng tử, thu thập và cung cấp dữ liệu sinh, tử; thu thập chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin thống kê hộ tịch, đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước và nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân.

Rà soát, thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử hàng năm; bảo đảm công bố công khai, đầy đủ, chính xác, kịp thời (thông quan phát hành niên giám các chỉ tiêu thống kê hộ tịch, công bố trên Cổng thông tin điện tử); có quy chế khai thác, sử dụng các số liệu thống kê đã được công bố, phục vụ yêu cầu của tổ chức, cá nhân; phối hợp liên ngành, kiểm tra thường xuyên, bảo đảm số liệu thống kê đầy đủ, chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.