Đánh giá ngoài cơ sở giáo dục - còn nhiều rào cản

GD&TĐ - Tính đến tháng 7, cả nước có 58,7% cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài.

Đánh giá ngoài giúp nhà trường giải quyết các vấn đề tồn đọng và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục. Ảnh minh họa: Thế Đại
Đánh giá ngoài giúp nhà trường giải quyết các vấn đề tồn đọng và nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục. Ảnh minh họa: Thế Đại

Mục đích chính của công tác này là tư vấn, hỗ trợ các trường trong việc đánh giá chính xác hiện trạng và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng. 

Tăng số trường được đánh giá ngoài

Tính đến tháng 7, có 24.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên trên cả nước đã được đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 58,70%. Số lượng này tăng gần 6 lần so với 4.206 trường (chiếm tỉ lệ 9,75%) được đánh giá ngoài năm 2014.

Có khoảng  33 tỉnh/thành có tỷ lệ đánh giá ngoài trên 58,7%; trong đó có những tỉnh/thành đạt tỷ lệ đánh giá ngoài trên 80%, như: Bắc Ninh 99,20%, Hà Nam 92,80%, Hưng Yên 90,40%, Thái Bình 88%, Quảng Trị 85,7%, Thừa Thiên - Huế 85,3%, Tây Ninh 83,10%, Bình Thuận 81,40%, Lâm Đồng 80,40%. 4 tỉnh/thành phố có số lượng trường lớn (trên 1.500 trường) như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa có tỷ lệ đánh giá ngoài tương đối cao. Một số tỉnh thành dù còn nhiều khó khăn nhưng có kết quả đánh giá ngoài ấn tượng, như: Đắk Lắk, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng, Lào Cai, Tiền Giang…

Tại Thừa Thiên - Huế, ban đầu hoạt động đánh giá ngoài được thực hiện thí điểm ở mỗi cấp học để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai đồng loạt trên diện rộng và đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết: Tính đến hết năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 499/585 cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 85,3%. Hầu hết các cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài đã xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch cải tiến chất lượng. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn có một số khó khăn khi thực hiện đánh giá ngoài. Trong đó, có việc một số cán bộ tham gia đánh giá ngoài còn chủ quan, khả năng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; năng lực các thành viên trong đoàn đánh giá ngoài chưa đồng đều. Một số đoàn đánh giá ngoài chưa phát huy được vai trò “chuyên gia” tư vấn để hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc xác định đúng các điểm mạnh, yếu, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch cải tiến chất lượng… 

Bộ tiêu chuẩn đánh giá ngoài cần được minh bạch và thống nhất. Ảnh minh họa: Đại Quang
Bộ tiêu chuẩn đánh giá ngoài cần được minh bạch và thống nhất. Ảnh minh họa: Đại Quang

“Để nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá ngoài, cần tiếp tục rà soát, xây dựng đội ngũ đánh giá ngoài đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; có năng lực, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao ở mỗi cấp học, nhằm đáp ứng yêu cầu mang tính chuyên sâu về công tác đánh giá ngoài. Quy trình đánh giá ngoài thể hiện qua 2 hoạt động chủ yếu là nghiên cứu hồ sơ đánh giá và khảo sát chính thức; cần nâng cao chất lượng 2 hoạt động này vì đây là cơ sở quan trọng để đánh giá một cơ sở giáo dục có đạt chất lượng hay không, từ đó tư vấn, giúp nhà trường giải quyết các vấn đề tồn đọng và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục” – ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Thống nhất bộ tiêu chuẩn đánh giá

Năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư tích hợp quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục các cấp học. Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn, quy trình đánh giá đã tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động; góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý, giảm công sức, thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Tại Vĩnh Phúc, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Huyến, sở đã chủ động báo cáo UBND tỉnh đề nghị xây dựng kế hoạch 5 năm về việc công nhận kiểm định chất lượng giáo dục gắn liền với công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Báo cáo đưa ra chỉ tiêu cụ thể tới từng phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục; có đánh giá cụ thể nguồn nhân lực đầu tư (cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên), nguồn tài chính cần cung cấp cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị còn thiếu và lộ trình đầu tư cho từng hạng mục. Đến nay, Vĩnh Phúc có 98,2% cơ sở giáo dục thực hiện tự đánh giá; 57,4% cơ sở giáo dục công lập thực hiện đánh giá ngoài; 97,6% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia.

Trong giờ học tại Trường TH Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Trong giờ học tại Trường TH Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Từ năm 2019, thực hiện quy định về kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia với cấp học mầm non, tiểu học và trung học, tỉnh Phú Thọ kết hợp thực hiện đánh giá ngoài để vừa công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, vừa công nhận trường chuẩn quốc gia. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường; đồng thời huy động được nguồn ngân sách, xã hội hóa trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với kiểm định chất lượng giáo dục. Không chỉ huy động được các nguồn lực, Phú Thọ còn có sự tham gia chỉ đạo và thực thiện của cả hệ thống chính trị.

“Sở GD&ĐT đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia có gắn nội dung về kiểm định chất lượng giáo dục. Tham mưu UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập các đoàn đánh giá ngoài với các trường học đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia, hoặc đồng thời công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc đầu tư kinh phí để xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy học, phối hợp trong việc cử cán bộ tham gia các đoàn đánh giá ngoài. Kết quả, qua 5 năm thực hiện, toàn tỉnh có 801/924 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GD thường xuyên được kiểm định chất lượng giáo dục; 87% trường được đánh giá ngoài, 88% trường đạt chuẩn quốc gia” – chia sẻ của ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Phú Thọ.

Theo ông Phùng Quốc Lập, trước đây, nội dung khó khăn là kinh phí phục vụ cho đoàn đánh giá ngoài; nhưng từ năm 2018, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với Sở Tài chính cấp kinh phí cho công tác của đoàn đánh giá ngoài, mỗi đoàn khoảng 15 triệu đồng. Đội ngũ chuyên gia đánh giá ngoài được quan tâm xây dựng, bổ sung số lượng và được bảo đảm chất lượng theo quy định. Hằng năm, đội ngũ chuyên gia đều được bồi dưỡng, cập nhật những văn bản mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.