Tự đánh giá trong trường học - tiền đề xây dựng văn hóa chất lượng

GD&TĐ - Hoạt động tự đánh giá ngày càng được coi trọng trong các cơ sở giáo dục; bởi qua đó, từng trường thấy rõ được “mạnh”, “yếu” để có giải pháp phù hợp tiếp theo.

Học sinh Trường THCS Yên Thọ (Đông Triều - Quảng Ninh). Ảnh minh họa.
Học sinh Trường THCS Yên Thọ (Đông Triều - Quảng Ninh). Ảnh minh họa.

Đây được coi là tiền đề để xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Nhận thức đúng về vai trò của tự đánh giá

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại Đắk Lắk trước năm 2015 chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân do nhận thức và điều kiện thực tế các cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn.

Đội ngũ cán bộ quản lý, GV chưa hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của công tác kiểm định chất lượng giáo dục và hạn chế về năng lực thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Kết quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, tự đánh giá nói riêng có tỷ lệ và chất lượng thấp.

Nhận thức công tác kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, tự đánh giá nói riêng có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới, từ năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các sở ngành liên quan, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương để thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Đồng thời, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tự đánh giá. Mỗi cơ sở giáo dục phải công khai chất lượng giáo dục cho toàn xã hội, xác định rõ sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi để tạo niềm tin cho HS, cha mẹ học sinh tại địa phương.

“Hằng năm, tỷ lệ tự đánh giá của các cấp học đạt trên 85%. Trong năm học 2020 - 2021, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức tự đánh giá, làm cơ sở để tổ chức đánh giá ngoài, công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu đề ra” – ông Đỗ Tường Hiệp cho hay.

Tại Tây Ninh, ngành Giáo dục xác định công tác kiểm định chất lượng nói chung, tự đánh giá nói riêng là một trong các giải pháp quản lý giáo dục quan trọng hàng đầu để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Thông tin từ ông Phạm Ngọc Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh, toàn tỉnh  có 487/488 cơ sở giáo dục hoàn thành tự đánh giá. Riêng năm học 2019 - 2020, Tây Ninh đã tiến hành đánh giá ngoài, công nhận trường chuẩn quốc gia cho 28 cơ sở giáo dục.

“Tự đánh giá là tấm gương phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp nhà quản lý nhận định được mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình, để từ đó có những giải pháp phù hợp tiếp theo. Tự đánh giá cũng giúp cơ sở giáo dục định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động; đồng thời, tạo tiền đề xây dựng văn hóa chất lượng cho cơ sở giáo dục” – ông Phạm Ngọc Hải chia sẻ.

Tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin

Để nâng cao chất lượng công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có tự đánh giá, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tăng cường công tác tổ chức bồi dưỡng năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng, bao gồm cả năng lực ứng dụng CNTT. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách nâng cao vai trò của công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong quản trị cơ sở giáo dục; quy định chuẩn yêu cầu ứng dụng CNTT trong kiểm định chất lượng giáo dục.    
Ông Phan Xuân Quyết 

Ông Phan Xuân Quyết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết:  100% cơ sở giáo dục tại Hưng Yên đã thực hiện tự đánh giá. Sở GD&ĐT đã tổ chức đánh giá ngoài cho 91,3% cơ sở giáo dục. Kết quả, có 144 cơ sở giáo dục đạt cấp độ 3; 343 cơ sở giáo dục đạt cấp độ 2; 15 cơ sở giáo dục đạt cấp độ 1. 100% cán bộ quản lý các trường đều được tập huấn về công tác tự đánh giá.

Toàn ngành có hơn 200 cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc học, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tự đánh giá của các nhà trường…

Để đạt được kết quả trên, một yếu tố quan trọng là Hưng Yên đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Từ 2013, địa phương ứng dụng phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục với giáo dục mầm non theo chương trình dự án của Bộ GD&ĐT.

Năm 2015, Sở GD&ĐT Hưng Yên chủ động triển khai ngoài chương trình dự án bằng việc tiếp tục mở rộng, thực hiện kiểm định với giáo dục phổ thông. Đến năm 2018, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai phổ biến, ổn định; thực hiện đánh giá ngoài sử dụng phần mềm.

“Kinh nghiệm của Hưng Yên là thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo về hiệu quả của ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục; truyền thông, tập huấn kỹ lưỡng; bắt đầu từ diện hẹp với cơ sở giáo dục tích cực, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng.

Cùng với đó, kiên trì, hỗ trợ thường xuyên, kịp thời và thường xuyên trao đổi với nhà cung cấp để hỗ trợ cơ sở giáo dục, cải thiện phần mềm đáp ứng thực tiễn và yêu cầu đổi mới” – ông Phan Xuân Quyết chia sẻ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, tồn tại. Để khắc phục, ông Phan Văn Quyết cho biết: Sở GD&ĐT tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà trường, GV, nhân viên về tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục và CNTT trong công tác kiểm định nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp cao trong thực hiện hoạt động tự đánh giá.

Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, GV nâng cao năng lực ứng dụng CNTT. Xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT nói chung, trong đó bao gồm kiểm định chất lượng giáo dục là cấu phần không thể thiếu.

Chia sẻ về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tự đánh giá trong các nhà trường, ông Đỗ Tường Hiệp nhắc đến việc đầu tiên là sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cụ thể; từ đó, các đơn vị có căn cứ và chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tự đánh giá một cách hiệu quả.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong các nhà trường; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thực hiện đổi mới quản lý giáo dục; duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong các nhà trường cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động tự đánh giá.

Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng làm công tác bảo đảm chất lượng; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động tự đánh giá; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác tự đánh giá…

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ