Chương trình đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời buổi hội nhập, khi người học vừa nắm chắc chuyên môn, vừa có khả năng giao tiếp. Tuy nhiên, thực tế vận hành cho thấy nhiều hạn chế từ trình độ ngoại ngữ của sinh viên.
Đuối sức với chương trình tiếng Anh “toàn tập”
Đ.Q.D - sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành đại học giảng dạy bằng tiếng Anh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa xin chuyển sang chương trình chất lượng cao với lý do “theo không nổi”.
Theo yêu cầu, tiếng Anh đầu vào chương trình đại học bằng tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương, phải dự thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu khóa bằng hệ thống đánh giá theo chuẩn quốc tế của trường để được xác nhận đủ điều kiện theo học chương trình.
Do không có các chứng chỉ trên, D phải tham gia học bổ túc tiếng Anh cho đến khi đạt trình độ tương đương để được “quyết định nhập học và công nhận là sinh viên”. Tuy nhiên, gần quá hạn, D vẫn không đạt chuẩn tiếng Anh nên phải xin chuyển sang chương trình khác.
Khác với D, N.Q.H - nữ sinh năm 2 ngành Công nghệ thực phẩm, chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) dù đạt chuẩn đầu vào ngoại ngữ nhưng cũng chật vật trong quá trình học.
“Để hiểu các bài giảng, giáo trình, tài liệu bằng tiếng Anh đã khó, chưa nói đến việc lĩnh hội”, H chia sẻ đồng thời cho biết: Với vốn tiếng Anh tương đương IELTS 5.0, em phải thường xuyên sử dụng công cụ Google dịch để học bài trên lớp. Những thuật ngữ chuyên ngành là nỗi “ám ảnh” với nữ sinh.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều trường đại học mở chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh. Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh được mở rộng theo từng năm.
Giai đoạn 2018 - 2022, hơn 5 nghìn sinh viên đã nhập học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Hiện số chương trình này chiếm khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu toàn trường, có mặt gần như đầy đủ các ngành, khoa. Thí sinh tham gia xét tuyển chương trình phải đạt điều kiện IELTS từ 4.5 trở lên hoặc tương đương.
Tại Trường Đại học Luật TPHCM, ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng Đào tạo cho biết, ngoài chương trình tiêu chuẩn, nhà trường xét tuyển lớp cử nhân chính quy chất lượng cao ngành Luật được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên học và thực hành tiếng Anh pháp lý thông qua học tập các môn kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành; được học những khóa học ngắn hạn cùng giáo sư đến từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore…
Cuối khóa, sinh viên phải làm bài luận văn bằng tiếng Anh với khoảng 10 nghìn từ. Điều kiện để học lớp chất lượng cao ngành Luật giảng dạy tiếng Anh là sinh viên phải có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên. Trường hợp sinh viên chỉ đạt IELTS 5.0, phải có đơn cam kết sau khi kết thúc năm thứ nhất, trình độ tiếng Anh đạt IELTS 6.0 trở lên.
Điểm nổi bật của chương trình giảng dạy tiếng Anh là chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, yêu cầu người học sử dụng tiếng Anh trong suốt quá trình học thông qua tài liệu giảng dạy, học tập, thi cử, luận văn tốt nghiệp. Do đó, các trường có quy định ngưỡng đầu vào tiếng Anh (thông thường là IELTS 4.5 - 5.0 trở lên hoặc tương đương), song có trường “thả nổi”, sinh viên có thể học chương trình tăng cường, dự bị để đạt chuẩn tiếng Anh trước khi bước vào chuyên ngành.
Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, năm 2023, chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức) lần đầu được tuyển sinh. Nếu tiếng Anh không tốt, ngay sau khi nhập học, sinh viên thực hiện một bài kiểm tra đánh giá năng lực, được thiết kế chương trình học riêng phù hợp với năng lực bản thân. Họ có thể học tiếng Anh song song với chương trình năm thứ nhất.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng có 9 chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn… Với trình độ tiếng Anh IELTS dưới 4.0 hoặc tương đương, thời gian học chương trình cử nhân sẽ 5 năm, riêng ngành Răng - Hàm - Mặt, Y đa khoa 7 năm, Dược học 6 năm. Năm đầu, sinh viên được học tiếng Anh tăng cường, từ năm thứ 2 mới bắt đầu học các môn đại học.
Tân sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Mạnh Tùng |
Lợi ích nhiều nhưng phải thận trọng
Nhiều năm công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM với vai trò Phó Trưởng khoa Ngữ văn Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, chương trình đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường và sinh viên.
Về phía nhà trường, chương trình giúp tăng tính quốc tế hóa, hội nhập quốc tế. Giảng viên khi giảng dạy bằng tiếng Anh có thể nâng cao, trau đồi thêm khả năng, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn. Về phía sinh viên, chương trình giúp các em vừa nắm vững kiến thức chuyên ngành, vừa có thể làm chủ tiếng Anh. Từ đó, sinh viên ra trường có thêm nhiều cơ hội việc làm, thích nghi và phát triển trong môi trường toàn cầu.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo 100% tiếng Anh yêu cầu sinh viên đủ chuẩn đầu vào để học chuyên ngành. Từ đó dẫn đến thực trạng, nhiều em khi tham gia chương trình phải bỏ giữa chừng do không đạt chuẩn, hoặc tốn nhiều thời gian học tiếng Anh tăng cường.
Theo TS Vũ Thị Phương Anh, với khả năng đầu vào tiếng Anh IELTS 5.0 - 5.5, tân sinh viên có thể học được các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Tất nhiên, sinh viên phải nỗ lực nhiều để cải thiện khả năng ngoại ngữ. Khi được “sống” trong môi trường dùng tiếng Anh hoàn toàn, các em có thể tiến bộ nhanh hơn; quá trình học, có thể cần người kèm cặp riêng để nâng cao trình độ.
Còn theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nhà trường đang xem xét, rà soát các điều kiện, cơ sở vật chất và nhân sự để mở chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Để vận hành chương trình này, việc tư vấn tuyển sinh là quan trọng. Nhà trường cần giúp học sinh hiểu rõ phải có trình độ ngoại ngữ nhất định mới có thể tham gia chương trình để tránh việc, nhiều em không đủ năng lực ngoại ngữ vẫn tham gia học, dẫn đến bỏ học giữa chừng hoặc kéo dài thời gian.
“Tôi nghĩ nhà trường cần tính toán để yêu cầu chuẩn tiếng Anh đầu vào phù hợp với từng ngành, có thể mức tối thiểu phải là IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương”, ông Nguyễn Trung Nhân cho biết.
TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, về lâu dài, trường phổ thông phải thay đổi phương pháp giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Hiện, việc học ngoại ngữ ở nhà trường vẫn nặng nề về ngữ pháp, đọc hiểu nhưng lại ít chú trọng kỹ năng nghe - nói. Điều này khiến kỹ năng ngoại ngữ của nhiều sinh viên khi vào đại học ở mức thấp.