Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học: Dạy 9 hay 10 buổi/tuần?

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 có thay đổi lớn nhất ở cấp tiểu học là xây dựng theo hướng bắt buộc dạy - học 2 buổi/ngày.

Dạy học tiếng Anh tăng cường tại TP Vinh, Nghệ An.
Dạy học tiếng Anh tăng cường tại TP Vinh, Nghệ An.

Vì vậy, một số môn học theo hình thức xã hội hóa cũng không còn. Điều này khiến các trường học loay hoay giải bài toán tổ chức dạy học 9 buổi hay 10 buổi/tuần trong điều kiện thiếu giáo viên đứng lớp.

Thiếu giáo viên để dạy đủ 35 tiết/tuần

Từ năm học 2022 – 2023, hầu hết trường tiểu học ở Hải Châu, quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng đều tổ chức dạy học 9 buổi/tuần. Học sinh sẽ nghỉ học vào chiều thứ 6. Đây là phương án tổ chức dạy - học do không đủ giáo viên để bố trí dạy 35 tiết/tuần.

Như Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu thiếu 7 giáo viên. Với 45 giáo viên/35 lớp, nhà trường chỉ đạt tỷ lệ 1,28 giáo viên/lớp, cách xa rất nhiều so với định mức. Trong điều kiện không được tổ chức xã hội hóa môn Tiếng Anh với khối lớp 1 - 2 như trước đây, nhà trường không thể duy trì dạy học đủ 10 buổi/tuần.

Tương tự, số giáo viên dạy văn hóa của Trường Tiểu học Lê Lai chỉ đạt 1,45 giáo viên/lớp. Trong khi đó, để tổ chức dạy học 10 buổi/ngày, nhà trường cần 1,59 giáo viên/lớp. Trường Tiểu học Lê Lai và nhiều trường tiểu học ở Đà Nẵng chỉ đủ định biên giáo viên để tổ chức dạy học từ 32 - 33 tiết/tuần, biên chế thành 9 buổi, theo đúng yêu cầu số buổi dạy học tối thiểu của Chương trình GDPT 2018.

Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết: “Hiện nhà trường tổ chức dạy học đủ định mức 33 tiết/tuần. Nếu tổ chức dạy 10 buổi/tuần thì còn trống 2 tiết chưa có giáo viên để bố trí. Vì vậy, nhà trường dự kiến tổ chức 2 tiết Anh văn do giáo viên người nước ngoài đứng lớp. Đây là 2 tiết học phụ huynh hỗ trợ học phí theo hình thức xã hội hóa”.

Ông Nguyễn Đức Tú Anh – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết: “Để tổ chức dạy học 10 buổi/tuần với số tiết tương đương là 35 phải xây dựng lại định biên giáo viên/lớp. Nếu vẫn giữ định biên như cũ nhưng vẫn dạy 10 buổi, buộc các trường phải xây dựng lại thời khóa biểu.

Khi đó, giờ vào học sẽ muộn hơn, học sinh ra về sớm hơn vì số tiết/ngày ít lại. Một phương án nữa là nhà trường liên kết một số môn học như Anh văn, kỹ năng, giáo dục STEM để đủ 35 tiết/tuần. Các tiết học này, phụ huynh sẽ đóng học phí theo hình thức xã hội hóa”.

Để duy trì tổ chức dạy – học 10 buổi/tuần, 2 tiết học cuối vào ngày thứ 4 và thứ 6 của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phải kéo dài thời gian so với quy định. Học sinh được giáo viên hướng dẫn làm bài tập hoặc chơi trò chơi. Giờ ra chơi của hai ngày này cũng kéo dài hơn, học sinh vào tiết muộn hơn.

Nhu cầu chính đáng của phụ huynh

Mùa tuyển sinh năm nay, hầu hết trường ở thành phố Vinh đều tuyển sinh các lớp tăng cường, chủ yếu là tiếng Anh và lớp STEM. Với lớp này, ngoài học Chương trình GDPT 2018 theo quy định của Bộ GD&ĐT thì triển khai thêm các chương trình tăng cường theo nhu cầu và đăng ký của phụ huynh, học sinh.

Cô Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Đô - thành phố Vinh cho biết: “Năm nay, trường tuyển sinh 8 lớp 1, trong đó có 3 lớp tiếng Anh tăng cường, 2 lớp STEM. Trước đó, qua thống kê hồ sơ xin đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường đông hơn lớp STEM và vượt chỉ tiêu của lớp.

Điều đó cho thấy, phụ huynh khá quan tâm đến việc học tiếng Anh cho con. Tuy vậy, điều nhiều người lo ngại là chất lượng học có hiệu quả hay không, nhất là khi các cháu mới vào lớp 1 và chúng tôi phải cam kết với phụ huynh về điều này”.

Học sinh Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Học sinh Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Trung Đô, thời điểm đầu năm học, chị Nguyễn Thị Hằng băn khoăn lựa chọn giữa lớp tiếng Anh tăng cường và STEM. So với lớp truyền thống, dự kiến mỗi tháng học sinh sẽ đóng thêm 200.000 đồng/tháng (25.000 đồng/tiết) khi đăng ký học lớp STEM.

Với lớp tiếng Anh tăng cường, theo thông báo của nhà trường, số tiền sẽ nhiều hơn vì 1 tuần trẻ học 3 tiết, trong đó có 2 tiết giáo viên Việt Nam (20.000 đồng/tiết) và 1 tiết với giáo viên nước ngoài (40.000 đồng/tiết). Các chương trình tăng cường đều liên kết với trung tâm để tổ chức dạy học.

Theo chị Hằng, số tiền đóng để học các môn tăng cường không nhiều, nhưng điều chị băn khoăn là chương trình dạy và cách bố trí các tiết học trong năm học. Sau khi cân nhắc, chị cho con học tiếng Anh tăng cường với mong muốn không cần trung tâm ngoài.

Con học tại Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Thu Hà kể “Con nghỉ học vào chiều thứ 6 trong khi bố mẹ vẫn đi làm, không ai trông nom. Vì vậy, tôi buộc phải đăng ký cho cháu học thêm ở trung tâm để không bị trống lịch học”. Sau giờ ăn trưa, chị Hà sẽ đón con từ trường, chở qua trung tâm để con ngủ trưa tại đó rồi mới bắt đầu giờ học thêm.

Một bộ phận lớn phụ huynh bày tỏ mong muốn nhà trường tổ chức dạy - học 10 buổi/tuần để thuận tiện cho công việc và hơn cả là trẻ được đảm bảo an toàn so với việc ở nhà một mình. Chính vì vậy, trong năm học 2022 – 2023, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) có một số trường như Tiểu học Lý Tự Trọng tổ chức thêm 2 tiết tiếng Anh với người nước ngoài; Tiểu học Phù Đổng dạy kỹ năng sống theo hình thức xã hội hóa.

Ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu (TP Đà Nẵng) thông tin: “Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của phụ huynh, một số trường tiểu học đang tiến hành xây dựng đề án xã hội hóa một số môn học. Học phí sẽ căn cứ theo Nghị quyết 98 của Hội đồng nhân dân thành phố. Nếu thuận lợi, có khoảng 10/18 trường tổ chức dạy – học 10 buổi/tuần”.

Bài toán sắp xếp thời khóa biểu

Trường Tiểu học Ngô Gia Tự đang tổ chức cho phụ huynh đăng ký học Anh văn theo hình thức xã hội hóa. “Nếu không đăng ký, nhà trường sẽ sắp xếp để các em tự học, có giáo viên quản lý. Trò có thể đến thư viện đọc sách hoặc làm bài tập ngay tại lớp. Những giáo viên chưa đủ định mức giờ dạy được phân công quản lý giờ tự học”, cô Bình dự kiến. Với cách tổ chức như vậy, giờ ra về của học sinh không thay đổi.

Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) xây dựng một số phương án để có thể duy trì dạy – học 10 buổi/tuần. Theo đó, học sinh có 1 tiết học Anh văn theo hình thức xã hội hóa, do người nước ngoài đứng lớp. Chiều thứ 6, giờ vào lớp được đẩy xuống muộn hơn, lúc 2 giờ 30 phút và vẫn ra về lúc 4 giờ 30 phút. Hoặc giờ vào lớp buổi sáng sẽ muộn hơn, lúc 8 giờ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, số lượng phụ huynh đăng ký cho học sinh học Anh văn ở khối 3 - 4 - 5 không đủ để tổ chức lớp. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương: “Nhà trường đang làm các thủ tục để tổ chức đấu thầu, triển khai dạy Anh văn theo hình thức xã hội hóa ở khối lớp 1 - 2. Nếu triển khai được, với khối lớp 3 - 4 - 5, vào 2 tiết cuối của ngày thứ 6, học sinh được sinh hoạt CLB tiếng Anh để rèn luyện 4 kỹ năng. Một trung tâm ngoại ngữ đang nhận tổ chức miễn phí các hoạt động này cho học sinh của trường”.

Ngoài ra, vướng nhất của các trường hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Tú Anh là thủ tục đấu thầu. “Nhiều trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng chưa tham gia vào hệ thống đấu thầu quốc gia. Hơn nữa, với lĩnh vực mang tính đặc thù như giáo dục, nếu đấu thầu lại rất khó để kiểm tra các thông tin như năng lực đào tạo, tình trạng đội ngũ… của các trung tâm. Nếu theo quy định, bỏ giá thấp thì trúng thầu nhưng các trường không thẩm định được năng lực của trung tâm liên kết”, ông Tú Anh phân tích.

Vừa qua Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo phòng GD&ĐT yêu cầu các trường học tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy kỹ năng sống trong trường học. Cô Lê Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quán Bàu (TP Vinh) cho biết, những năm trước, nhà trường liên kết với một trung tâm kỹ năng sống trên địa bàn dạy chương trình POKI cho học sinh. Tuy nhiên, năm nay mới bắt đầu vào học nên nhà trường chỉ thông báo và cho phụ huynh đăng ký nhưng chưa triển khai. Theo kế hoạch, đối với tiểu học mỗi tuần có 1 tiết kỹ năng sống. Vì vậy, trong điều kiện tạm dừng liên kết, không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của trường cũng như thời khóa biểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ