Nếu là người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung , chắc chắn bạn không thể bỏ qua nhân vật anh hùng cái thế như Kiều Phong.
Một trong những trường đoạn bi tráng nhất của Kiều Phong là huyết chiến tại Tụ hiền trang. Tại đây, nhân vật này đã áp đảo toàn bộ các cao thủ từ khắp Trung Hoa tụ hội về.
Sự khéo léo của Kim Dung thể hiện ở chỗ, ông miêu tả nhân vật của mình thi triển những môn võ hư cấu như Hàng long thập bát chưởng rất chi tiết và hùng tráng.
Nhưng để khiến tất cả tâm phục khẩu phục, Kiều Phong phải dùng đến Thái tổ trường quyền, một bộ võ công hoàn toàn có thực và rất quen thuộc với người Trung Quốc.
Thái tổ trường quyền có tên ban đầu là Tam thập nhị thế trường quyền (32 thế đánh của Thiếu Lâm trường quyền).
Người sáng tạo ra môn võ này là Triệu Khuông Dẫn, một quyền sư dạy võ trong chùa Thiếu Lâm. Sau này, ông trở thành hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tống.
Ngoài Thái tổ trường quyền, Triệu Khuông Dẫn còn để lại cho đời sau một bộ Thái tổ côn pháp (sử dụng gậy là vũ khí chính) cũng rất lợi hại.
Được khai sinh trong thời đại chiến loạn, Thái tổ trường quyền rất chú trọng đến yếu tố thực chiến, công thủ toàn diện, đi quyền nhanh như gió, xuất đòn tựa tia chớp.
Người luyện môn võ này bên cạnh khả năng di chuyển của thân thể còn phải đặc biệt chú ý quan sát nhất cử nhất động của đối phương. Khi kẻ địch để lộ sơ hở, lập tức tấn công ào ạt, dồn ép đến mức nghẹt thở.
Tính thực dụng khiến việc học Thái tổ trường quyền tưởng dễ mà lại rất khó.
Số lượng 32 đường quyền không phải là quá nhiều, tuy nhiên để hiểu cách kết hợp các chiêu thức với nhau cần một quá trình luyện tập công phu.
Người học đầu tiên phải tập kỹ cơ nội dung cơ bản bao gồm “Tam hình”, “Ngũ công”. “Tam hình” là đầu, thủ (tay) và bộ(tấn), “Ngũ công” là cánh tay, cước, eo, trang và khí.
Thiếu Lâm Thái tổ trường quyền
Trong quá trình luyện tập, võ sinh phải luôn kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, quan sát, thử nghiệm để tìm ra cách đánh hợp nhất với mình.
Bản thân các chiêu thức trong môn võ này cũng mang tính khắc chế lẫn nhau. Do đó việc nắm vững tất cả là yêu cầu bắt buộc.
Để bày tỏ sự trân trọng, Thiếu Lâm tự đã xếp Thái tổ trường quyền vào Thiếu Lâm thập đại danh quyền (10 bộ quyền lừng danh nhất) cùng với La Hán quyền, Kim Cương quyền, Mai hoa quyền, Lục hợp quyền…