Theo Đại biểu Dương Trung Quốc, gần đây chúng ta đã đặt mầm non vào đúng vị trí mà pháp luật phải bảo hộ. Nhưng được pháp luật bảo hộ rồi mà chúng ta không có điều kiện cơ sở vật chất, thì đó cũng chỉ là tiền đề, chưa phải là hiện thực.
“Nhiều người cho rằng, cần luật hóa vấn đề lương của giáo viên; tuy nhiên theo tôi lương là bài toán tổng thể cần cân đối và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Không ai không công nhận thầy giáo là quan trọng, là gây dựng tương lai. Nhưng khi đặt lên bàn tính, hình như lại không phải như thế” - Đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề.
Cũng theo Đại biểu Dương Trung Quốc, trong xã hội, chúng ta vẫn nói có 2 ông thầy xứng đáng được tôn trọng nhất, đó là: Thầy dạy học và thầy thuốc. Đây là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người.
Nhưng hình như trong xã hội hiện nay lại hơi ngược lại. Chúng ta đã có điều kiện để xã hội hóa, đó là thuận lợi. Những trường chất lượng cao sẵn sàng bù đắp cho đội ngũ nhà giáo. Nhưng chúng ta phải nghĩ đến chính sách đối với người nghèo và quyền được học của mọi người.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Không ai không công nhận thầy giáo là quan trọng, là gây dựng tương lai |
Do đó, Nhà nước phải đầu tư về trường – sở, có như thế chúng ta mới gặt hái được tương lai tương xứng. Thiết nghĩ, cần quan tâm đội ngũ giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng theo đúng nghĩa của nó.
"Tôi nghĩ rằng, nếu coi 365 ngày chỉ có 1 ngày là Ngày nhà giáo thì 364 ngày còn lại là gì?!. Ý tôi muốn nói, điều đó chỉ mang tính chất biểu trưng, quan trọng là chúng ta xây dựng được một cơ chế.
Từ cơ chế đó xây dựng một hệ thống giá trị xã hội và trên cơ sở đó mới có thể trở thành đạo lý. Cái này không phải là mới mẻ mà chỉ là chúng ta trở lại những đạo lý truyền thống vốn có của dân tộc mà thôi” – Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi.