Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ (ảnh minh họa). |
85 em thiếu nhi đến từ 12 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Cạn, Hoà Bình, Kon Tum, Điện Biên và Làng trẻ em SOS Hà Nội đã tham dự Hội nghị.
Thông qua hội nghị này, trẻ em đã trao đổi và tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề xã hội quan tâm là: Thực trạng của vấn đề ngược đãi, xâm hại, bạo lực và buôn bán trẻ em đang diễn ra trong toàn quốc và tại địa phương của các em; Phân tích, tìm hiểu những nguyên nhân chính của vấn đề này và đề xuất các giải pháp từ góc nhìn của các em đối với các cấp chính quyền, cộng đồng, xã hội nhằm ngăn chặn, can thiệp và xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh để bảo vệ sự an toàn cho trẻ em.
Theo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đây là dịp để trẻ em mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, tình cảm và quan điểm của mình về vấn đề ngược đãi, xâm hại, bạo lực và buôn bán trẻ em. Qua đó, lấy ý kiến tham vấn của trẻ em trong quá trình xây dựng Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 và chia sẻ thông tin tại Hội nghị quốc gia phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức vào tháng 9/2010.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các em trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình với Ban chỉ đạo Sáng kiến cấp Bộ trưởng về phòng chống buôn bán người tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Ban chỉ đạo COMMIT) và chuẩn bị cho Diễn đàn Thanh thiếu niên khu vực sông Mekong về phòng chống buôn bán người.
Kết thúc Hội nghị, các em sẽ có một bản báo cáo chính thức để trình bày tại Hội nghị quốc gia Phòng chống xâm hại trẻ em, bản báo cáo sẽ đưa ra các kiến nghị hành động cho chính bản thân các em cũng như các cấp chính quyền để giải quyết vấn đề ngược đãi, bạo lực và buôn bán trẻ em.
Quang Anh