Chứng chỉ hành nghề: Không để phát sinh tiêu cực

GD&TĐ - Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Đề xuất này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Một lớp ôn thi được mở tại trung tâm ở phường Tam Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: C.Nghĩa
Một lớp ôn thi được mở tại trung tâm ở phường Tam Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: C.Nghĩa

Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, không khó khăn về mặt hành chính và cũng không có chuyện “xin cho” để được cấp chứng chỉ này.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Bước tiến quan trọng trong nhận thức về nghề dạy học

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến. Ảnh: Trần Hiệp

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến. Ảnh: Trần Hiệp

Có thể với chúng ta, khái niệm một nghề không quan trọng nhưng trên thế giới, nếu một lĩnh vực nào đó có khái niệm là một nghề sẽ là bước chuyển quan trọng của công việc đó. Nhiều nước trên thế giới phân biệt hai khái niệm: Việc làm và nghề.

Để một việc làm trở thành nghề phải có những điều kiện: Được đào tạo trình độ đại học; có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp; có chứng chỉ hành nghề và tổ chức nghề nghiệp.

Trước đây, dạy học được quan niệm là hoạt động ai cũng có thể làm, miễn là có trình độ văn hóa nhất định. Đến thời kỳ của tôi, dạy học được coi là hoạt động mang nặng tính nghiệp dư. Chỉ đến năm 1966, sau khi UNESCO công bố bản khuyến nghị về vị thế nhà giáo thì mới có một mệnh đề quan trọng: Dạy học là một nghề.

Khi Liên Hợp Quốc công bố dạy học là một nghề, đương nhiên vị thế xã hội của người dạy học được đẩy lên nhưng cũng buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Theo đó, dạy học không còn là một hoạt động nghiệp dư, mà mang tính chuyên nghiệp.

Thực tế, chứng chỉ hành nghề dạy học khá phổ biến ở các hệ thống giáo dục trên thế giới. Hầu như nước nào cũng yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ này. Vì thế, chứng chỉ hành nghề không dị biệt với chúng ta, mà là vấn đề cần thực hiện để bảo đảm nền giáo dục hội nhập với thế giới.

Việc Ban soạn thảo Luật Nhà giáo đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là bước tiến quan trọng trong nhận thức về nghề dạy học. Vậy, chứng chỉ này có lợi ích gì cho nhà giáo? Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có lợi ích trên nhiều phương diện, từ phía thầy – trò cho đến xã hội và quản lý nhà nước.

Thứ nhất, đối với Nhà nước và xã hội, chứng chỉ hành nghề sẽ phân định rõ nhà giáo chính danh với nhà giáo tự xưng. Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường giáo dục hình thành. Cũng giống như trong lĩnh vực báo chí, người có thẻ và không có thẻ nhà báo sẽ khác nhau về quyền lợi, vị thế…

Thứ hai, với nhà giáo, có chứng chỉ hành nghề, đồng nghĩa việc khẳng định được vị thế trong xã hội rằng, mình là người chuyên nghiệp trong nghề dạy học. Có được chứng chỉ hành nghề, nhà giáo sẽ có những quyền được quy định rất rõ trong Luật Nhà giáo. Quyền cơ bản đầu tiên là, tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp. Tôi mong rằng, các thầy cô giáo sẽ phát huy quyền tự chủ đó, đặc biệt trong bối cảnh ngành Giáo dục chịu sự tác động của trí tuệ nhân tạo.

Chỉ thời gian ngắn nữa, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế các thầy cô trong nhiều việc. Khi đó, nhà giáo cần tự chủ nghề nghiệp để có thể kết hợp với trí tuệ nhân tạo trong việc cung cấp phẩm chất, năng lực, tri thức cho người học. Muốn phát huy tự chủ nghề nghiệp phải là nhà giáo chính danh, không chính danh không làm được điều đó.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Ngoài ra, nhà giáo có quyền thăng tiến, với môi trường và chế độ làm việc có thể phát huy được quyền tự chủ của mình. Nếu không có chứng chỉ hành nghề, không có tư cách của nhà giáo chính danh thì không thể có được những quyền mà trong dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất (Điều 9). Đó chính là lợi ích của chứng chỉ hành nghề đem lại.

Tuy nhiên, muốn có chứng chỉ hành nghề, người dạy phải tốt nghiệp trường đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp trường đại học khác có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đây là điều kiện cần, để có điều kiện đủ thì nhà giáo phải có thời gian tập sự và hoàn thành nhiệm vụ này. Điều đó tương tự hiện nay, ứng viên muốn được tuyển dụng vào làm giáo viên phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm. Sau khi được tuyển dụng, họ sẽ có thời gian tập sự, sau đó mới có quyết định công nhận tập sự.

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo cũng là thay thế cho quyết định công nhận hết tập sự của giáo viên. Như vậy, không có cái gì phát sinh thêm và không có bất kỳ khó khăn nào ảnh hưởng tới điều kiện làm việc của nhà giáo.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, với những giáo viên đang giảng dạy tại các trường đương nhiên được cấp chứng chỉ hành nghề. Những người mới được tuyển dụng, sau khi được công nhận hoàn thành thời gian tập sự thì được cấp chứng chỉ hành nghề. Còn với nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Phải dựa trên quy trình, bộ tiêu chuẩn chung

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: Trần Hiệp

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: Trần Hiệp

Dựa trên tổng quan một số quy trình cấp chứng chỉ hành nghề tâm lý ở một số quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho quy trình cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo ở Việt Nam.

Theo đó, cơ quan cấp phép hành nghề là cơ quan chịu trách nhiệm chính về nghề. Cơ quan cấp phép hành nghề có thể liên kết/giao quyền cho các đơn vị khác trong quy trình cấp phép như liên kết với Hiệp hội nghề trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và chứng nhận chương trình thực tập.

Quá trình đăng ký và xét duyệt cấp phép có thể diễn ra ở từng vùng, nhưng phải dựa trên quy trình, bộ tiêu chuẩn chung và nhập về cơ sở dữ liệu chung của Nhà nước. Như vậy, việc cấp phép và tuyển dụng nhà giáo cũng nên là trách nhiệm và thẩm quyền của ngành Giáo dục.

Về quy trình cấp phép, ứng viên muốn đăng ký cấp phép, bước đầu cần nộp hồ sơ xác nhận đã hoàn thành điều kiện về trình độ đào tạo yêu cầu như: Bằng cử nhân, thạc sĩ, hay xác nhận thực tập và hồ sơ thực tập. Một số quốc gia sẽ xét duyệt hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề nhưng cũng có quốc gia yêu cầu ứng viên làm các bài thi về kiến thức/năng lực/đạo đức và luật để xác định ứng viên đủ năng lực được cấp chứng chỉ hành nghề.

Đối với ngành nghề giáo viên, cần cân nhắc để xác định yêu cầu tối thiểu về bằng (khoa học cơ bản) và các chứng chỉ về năng lực nghiệp vụ cần đáp ứng. Các chương trình đào tạo cấp bằng phải được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Thực tập cũng là điều kiện bắt buộc trong tất cả chương trình đào tạo. Các yêu cầu về thực tập cần được xác định rõ, bao gồm tính chất công việc, cấu trúc chương trình, thời lượng, yêu cầu với người hướng dẫn… Cơ sở thực tập cần đạt đủ yêu cầu và chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Người hướng dẫn/giám sát thực tập cần được tập huấn về kỹ năng và đạt các yêu cầu cần thiết để có thể thực hiện công tác hướng dẫn. Với nhà giáo cần xác định khối lượng thực tập và hội nhập nghề nghiệp đủ để rèn các năng lực chuyên môn và cách xử lý tình huống sư phạm theo quy chuẩn đạo đức một cách nhuần nhuyễn.

Một số quốc gia yêu cầu ứng viên đạt các bài đánh giá về kiến thức và năng lực sau khi đã đạt yêu cầu cơ bản về đào tạo. Bài đánh giá này được xây dựng bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và dựa trên các tiêu chuẩn về kiến thức, năng lực, luật và quy tắc đạo đức đối với nghề nghiệp. Các bài thi thường đặt trọng số nhiều hơn vào tiêu chuẩn chuyên môn trong khi chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp cũng chỉ được kiểm tra trên phương diện lý thuyết.

Học tập/phát triển nghề nghiệp liên tục là yêu cầu với giáo viên. Theo đó, cần một cơ quan quản lý có trách nhiệm xác nhận chương trình đào tạo học tập liên tục đủ điều kiện, công nhận chất lượng các hoạt động học tập đủ điều kiện và thực hiện việc kiểm tra với người thực hành nghề (định kỳ hoặc ngẫu nhiên).

Việc đình chỉ, thu hồi hay cấp lại chứng chỉ hành nghề sau khi thu hồi có các quy trình riêng theo từng quốc gia, nhưng cơ bản được nêu rõ trong hướng dẫn liên quan đến cấp phép và thực hành nghề.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Chứng chỉ hành nghề nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy

Ông Vũ Minh Đức. Ảnh: Trần Hiệp

Ông Vũ Minh Đức. Ảnh: Trần Hiệp

Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo nhằm chuẩn hóa, nâng tầm vị thế và vai trò của nhà giáo khi được phân biệt với nghề khác. Mặt khác, phân biệt giữa người đủ tư cách hành nghề dạy học với người tự nhận là nhà giáo nhưng không đảm bảo đạt chuẩn.

Có chứng chỉ hành nghề sẽ tạo điều kiện cho nhà giáo khi thay đổi đơn vị công tác và vị trí việc làm, tham gia thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục khác. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhà giáo tham gia hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo; bảo đảm thực hiện công bằng chế độ, chính sách cho nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo người nước ngoài.

Chứng chỉ hành nghề cũng nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, giáo dục vì người được cấp chứng chỉ đã đảm bảo đạt chuẩn nhà giáo và phù hợp với nghề dạy học. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo được thuận lợi hơn, không chỉ quản lý được nhà giáo đang giảng dạy trong cơ sở giáo dục mà có thể quản lý nhà giáo tham gia hoạt động giảng dạy, giáo dục ngoài cơ sở giáo dục.

Ban soạn thảo cũng đề xuất, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, gồm: Thứ nhất, nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Thứ hai, nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Thứ ba, nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo (nếu có nhu cầu). Thứ tư, nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.

Người có chứng chỉ hành nghề hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp được công nhận tương đương với chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo khi được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bên ký kết và còn hiệu lực.

Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề có thể bị thu hồi trong một số trường hợp sau: Nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.

Chứng chỉ hành nghề không phải để tăng cường quản lý nhà giáo, hay tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ, mà để phát triển đội ngũ. Sẽ không khó khăn gì về mặt hành chính và cũng không phải kiểu “xin cho” để được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. - TSKH PHẠM ĐỖ NHẬT TIẾN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.

Tìm hiểu overthinking là gìdịch vụ tư vấn iso 14001 EMS