Chứng chỉ hành nghề: Chuyên nghiệp hóa nghề dạy học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người dù không được đào tạo sư phạm nhưng vẫn được chủ các nhóm lớp độc lập tuyển dụng để dạy trẻ mầm non hoặc mở lớp dạy thêm.

Giờ rèn chữ của cô trò lớp 1 Trường Tiểu học 1 (thị trấn Năm Căn, Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ
Giờ rèn chữ của cô trò lớp 1 Trường Tiểu học 1 (thị trấn Năm Căn, Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ

Những nhà giáo “tự xưng” này chỉ lộ chân tướng khi xảy ra những sự việc như đánh trẻ, dạy sai kiến thức… Dù số lượng nhà giáo tự xưng không nhiều nhưng đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành.

Sự cố “tay ngang”

Năm 2021, “cô giáo dạy vật lý Minh Thu” nổi tiếng trên mạng xã hội với những clip chia sẻ kiến thức, giải bài tập vật lý. Kênh fanpage có tên “Cô giáo Minh Thu” với những buổi học livestream Học vật lý thế hệ Gen Z thu hút lượng lớn người theo dõi.

Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn sau đó, Minh Thu liên tục bị “bóc phốt” như dạy sai kiến thức cơ bản, hành động, phát ngôn không chuẩn mực trong quá trình livestream. Nhiều ý kiến cho rằng Minh Thu chưa tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì chưa thể tự xưng là cô giáo. Minh Thu sau đó buộc phải lên tiếng đính chính về những “lùm xùm” của bản thân và rút lại danh xưng “cô giáo”.

Ngay trên tài khoản cá nhân của mạng xã hội Facebook, Minh Thư viết: “Việc nói bậy trên mạng không chỉ sai với hình ảnh một người đang chia sẻ kiến thức mà với bất cứ ai. Thế nên, mình sẽ cố gắng không lặp lại việc này gây ảnh hưởng xấu đến các bạn học sinh theo dõi”. Minh Thu cũng thừa nhận, “danh xưng cô giáo có lẽ không phù hợp, mình xin được rút lại. Mình chỉ xin được livestream, làm nội dung truyền tải kiến thức với tư cách một nhà sáng tạo nội dung số”.

Trước đây, nhà trường là nơi duy nhất cung cấp kiến thức, giáo viên là người duy nhất truyền đạt kiến thức đến học sinh. Chính vì vậy, vai trò của người thầy là chuyển giao kiến thức. Hiện nay, kiến thức có ở khắp nơi và qua nhiều kênh khác nhau dẫn đến tình trạng “tự xưng” giáo viên trên mạng xã hội, hoặc các trung tâm.

Để thu hút học viên theo các khóa học trực tuyến, không ít “giáo viên online” đã sử dụng chiêu trò để tăng theo dõi trong khi trình độ kém, thậm chí không có bằng cấp hoặc kỹ năng sư phạm đang tạo ra nhiều thách thức và tranh cãi đối với loại hình này.

Năm 2023, một phụ huynh ở Hà Nội khi tìm hiểu các khóa học online để chọn cho con thì tình cờ đọc được một số bài đăng “bóc phốt” về “thầy giáo online” Vũ Ngọc Anh mới biết người này từng bị buộc thôi học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trên trang mạng xã hội cá nhân, người này giới thiệu nhiều thành tích nổi bật, với những bảng vàng điểm cao của học sinh tham gia các khóa học online. Tuy nhiên, theo phản ảnh của một số giáo viên dạy môn Vật lý thì trong nhiều clip bài giảng, thầy giáo online Vũ Ngọc Anh dạy sai kiến thức, đưa ra những định nghĩa không đúng bản chất.

Cộng đồng học IELTS năm 2019 đã vô cùng bức xúc trước câu chuyện một nữ giáo viên luyện thi IELTS sửa điểm của mình từ 6.5 thành 8.0 để kéo học sinh và liên tục dạy sai kiến thức. Hay một cô giáo dạy Văn nổi tiếng trong cộng đồng dạy online ở Hà Nội đã bị tố có nhiều hành động phản cảm như chửi mắng học sinh, chất lượng dạy học không như quảng cáo, nói xấu đồng nghiệp, chụp bộ phận nhạy cảm gửi học sinh…

Dù số lượng nhà giáo tự xưng không nhiều nhưng tác động tiêu cực đến toàn ngành; làm xấu hình ảnh đội ngũ. Một giáo viên công tác trong ngành Giáo dục, dù ở trường công hay tư, cũng phải mất vài ba năm, thậm chí cả chục năm để gây dựng tên tuổi.

Thế nhưng ở trên mạng xã hội, nhiều giáo viên online nổi lên chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí sau một đêm. Họ chạy quảng cáo các khóa học, nhờ đội ngũ cộng tác viên để lại thông tin trong hội, nhóm khiến học sinh nhầm tưởng đây là những nhà giáo có uy tín trong nghề.

Giờ học Âm nhạc của cô trò Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: Q. Ngữ

Giờ học Âm nhạc của cô trò Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: Q. Ngữ

Có sự cố mới biết dạy trái phép

Sau khi một phụ huynh tố cáo giáo viên có hành vi bạo hành với trẻ tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Cầu Vồng thì UBND quận Sơn Trà ra thông báo cơ sở đường Tôn Quang Phiệt (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chưa được cấp phép.

Theo phản ảnh của chị Trần Ngọc Gia Hy, con gái chị là cháu K.N (8 tuổi) được gửi theo học tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Cầu Vồng khoảng 1 năm. Cháu N. là trẻ tự kỷ dạng tăng động. Theo quan sát của gia đình, thấy cháu N. sau khi đi học về có nhiều vết bầm tím, mặt bị sưng nên đã yêu cầu Trung tâm trích xuất camera để xem các hoạt động ở lớp.

Từ đây, gia đình mới phát hiện con gái bị bạo hành trong một thời gian dài với những hành động như kéo tóc, đánh đập. Thậm chí, khi cháu N. khóc liền bị các cô giáo trùm chăn rồi đánh vào mặt. Trích xuất camera còn cho thấy, N. bị một bạn tát vào mặt, cô giáo chứng kiến sự việc đã vỗ tay cổ vũ cho hành động này.

Bà Nguyễn Thị Hậu - chủ Trung tâm Giáo dục đặc biệt Cầu Vồng đã tự ý tổ chức và thuê một số người tham gia giữ trẻ từ ngày 20/2/2024. Mỗi ngày có khoảng từ 5 - 8 trẻ với các dạng tật như bại não, tự kỷ tăng động được gửi tại đây. Khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, bà Hậu không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc nhận giữ trẻ. Theo lời khai ban đầu của bà Hậu với cơ quan chức năng, do không có kinh nghiệm nên các bảo mẫu đã có hành động không đúng.

Rất nhiều nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình khi bị tố cáo bạo hành, bỏ đói trẻ thì phụ huynh mới biết đây là những cơ sở hoạt động không phép, người hằng ngày dạy dỗ, chăm sóc trẻ cũng chưa qua trường lớp đào tạo sư phạm.

Đơn cử như trường hợp phụ huynh một bé trai tố cáo con bị bạo hành khi đang theo học tại Trường Mầm non Sanh Xuân vào tháng 1/2023. Khi Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (Đà Nẵng) vào cuộc xác minh thì phát hiện cả 2 giáo viên đứng lớp chưa đủ điều kiện tham gia công tác nuôi dạy trẻ. Thời điểm này, 2 người này đều theo học đại học sư phạm mầm non, chưa có bằng tốt nghiệp đúng yêu cầu vị trí việc làm nên Phòng GD&ĐT Liên Chiểu yêu cầu nhà trường tạm đình chỉ công tác.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thực tập tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ánh Ngọc

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thực tập tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: Ánh Ngọc

Trọng nghề mới được làm nghề

Để đảm bảo vai trò, ý nghĩa của người thầy, bên cạnh ý thức tự học tập, sáng tạo để trở thành người thầy hiện đại, toàn cầu; việc cần “chứng chỉ hành nghề” đối với nhà giáo trong xu thế hiện nay được các giáo viên quan tâm.

Thầy Phan Văn Khuyên - có thâm niên 26 năm giảng dạy, công tác ở trường THPT và Công đoàn Giáo dục tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ: Vai trò của người thầy là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục.

Người thầy luôn là tấm gương sáng để học sinh noi theo nên cầu về kiến thức, kỹ năng và đạo đức rất cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Việc một số người không được đào tạo chính quy vẫn “tự xưng” nhà giáo có tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục, làm hình ảnh người thầy ít nhiều bị ảnh hưởng theo hướng không tốt. Bởi người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người nên xã hội đòi hỏi họ phải luôn mẫu mực, vừa hồng vừa chuyên.

Thầy Khuyên mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành, là cơ sở pháp lý để nhà giáo được đảm bảo về chuẩn nghề nghiệp, nghĩa vụ cũng như quyền lợi. Đó cũng là cách khẳng định vai trò, vị thế của nhà giáo, đồng thời đòi hỏi người thầy luôn rèn luyện, trau dồi năng lực chuyên môn, không ngừng hoàn thiện nhân cách.

Cùng quan điểm trên, ThS Huỳnh Ngọc Huy Tùng - Trường THPT Tân Long (Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho rằng: Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo rất cần thiết vì mọi hoạt động của giáo viên đều ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người trong tương lai. Chứng chỉ nhằm mục đích đảm bảo chất lượng của ngành nghề, gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân đối với toàn xã hội.

ThS Huỳnh Ngọc Huy Tùng mong Luật Nhà giáo sẽ có quy định chặt chẽ hơn đối với giáo viên để bảo vệ quyền lợi và sự tiến bộ, phát triển của xã hội đó là sự cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề. Nghĩa là nhà giáo phải đáp ứng được tối thiểu các điều kiện bắt buộc như: Được đào tạo bài bản; có quy định rõ về đạo đức nghề nghiệp; có chứng chỉ hành nghề; có tổ chức nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dạy và học…

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý và giáo viên, ban hành chứng chỉ hành nghề cần được luật hóa, tránh tình trạng trùng lặp với các luật như Luật Viên chức, Luật Lao động... Mục tiêu hướng đến là khi có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo sẽ được nâng lên.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cấp chứng chỉ hành nghề tạo thuận tiện cho nhà giáo ra nước ngoài làm việc hoặc nhà giáo ở nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Qua đó cũng giải quyết được thực trạng “nhà giáo tự xưng” - người không phải nhà giáo vẫn tổ chức dạy học, nhất là dạy trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, cấp chứng chỉ cần phải tuân thủ theo Luật Nhà giáo và điều chỉnh riêng một nhóm đối tượng gắn với hoạt động nghề nghiệp. Với góc độ tiếp cận này dù đang thực hiện hoạt động nghề nghiệp khu vực công hay tư, nhà giáo đều cần chung mặt bằng pháp lý…

Xác định dạy học là một nghề thì đương nhiên nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề. Điều này khẳng định, nghề giáo không phải là hoạt động nghiệp dư mà là rất chuyên nghiệp và giáo viên trở thành nhà giáo chuyên nghiệp.

Chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo giáo viên, giảng viên đủ điều kiện, năng lực, phẩm chất để giảng dạy. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục còn bảo vệ quyền lợi của người học.

Việc tuân thủ những yêu cầu này cũng giúp tăng cường niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục và hỗ trợ sự phát triển chuyên nghiệp của giáo viên. - Thầy TRẦN TUẤN THÀNH (Trường THPT Vĩnh Hải, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ