Hóa ra ấn tượng không chỉ đây là lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nam của nước ta được vào vòng đấu loại thứ 3 này mà là lối hành xử của cổ động viên nước nhà trên không gian mạng khiến cả khu vực Đông Nam Á và cả châu Á phải hết sức “ngạc nhiên”.
Ngay sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa UAE và Việt Nam, hàng nghìn Facebooker người Việt đã vào trang cá nhân của trọng tài người Iraq - ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi, người bắt chính trận đó, để mạt sát, chửi rủa bằng những lời lẽ hết sức thiếu văn hóa.
Các cổ động viên cho rằng, ông trọng tài người Iraq này đã bỏ qua quả phạt đền do lỗi hậu vệ UAE kéo ngã Công Phượng trong vòng cấm.
Các cổ động viên quá khích này nói rằng, nếu cho đội Việt Nam được hưởng quả phạt đền ở pha phạm lỗi đó thì tỉ số sẽ là 3 - 3, đội tuyển nước ta sẽ vào thẳng vòng loại thứ 3 với tư cách nhất bảng!
Những ai yêu bóng đá, theo dõi thường xuyên các trận đấu đỉnh cao trên thế giới đều thừa nhận một điều rằng, lỗi nhận định của trọng tài trong mỗi trận đấu là một phần tất yếu của cuộc chơi bộ môn túc cầu này.
Có những trận đấu mà tốc độ diễn ra quá nhanh, trọng tài đâu thể quan sát hết được diễn biến trên sân để đưa ra nhận định một cách chính xác nhất, vì vậy, câu chuyện trọng tài luôn luôn được mổ xẻ qua mỗi kỳ EURO hoặc World Cup. Trọng tài người Iraq - ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi cũng không là ngoại lệ.
Phàn nàn về lỗi nhận định của trọng tài là chuyện bình thường. Ngay cả ông Park Hang-seo, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam cũng đã nổi nóng với trọng tài để nhận thẻ phạt nữa là cổ động viên.
Nhưng phản ứng hoàn toàn khác với mạ lỵ, mạt sát bằng những lời lẽ kém văn hóa. Dù là viết bằng tiếng Việt nhưng hẳn là cả thế giới đều hiểu được nội dung của những lời thóa mạ ấy.
Điều đáng trách là, dù đội tuyển Việt Nam thua nhưng chúng ta vẫn vào tiếp ở vòng đấu loại cuối cùng. Nhất bảng hay nhì bảng gì thì đội tuyển của mình cũng vô gặp những “đại gia” của làng túc cầu châu Á.
Vậy thì hà cớ gì lại bộc lộ những thói tật chỉ có người Việt Nam chúng ta thường thấy trên không gian mạng với nhau? Dĩ nhiên, số cổ động viên này không phải là đại diện cho tất cả người Việt, song những lời khiếm nhã, tục tằn của họ đủ để người ngoài nhìn chúng ta bằng ánh mắt không mấy thiện cảm rồi.
Chửi cho sướng mồm hình như đã thành trò tiêu khiển của một số người trên không gian mạng. Hễ thích là chửi, bất luận đúng sai. Tệ hại hơn là những kẻ hay chửi này luôn ẩn danh, nghĩa là họ luôn ném đá vào bất cứ đối tượng nào họ không thích nhưng tay của họ thì luôn giấu nhẹm.
Những buổi livestream của một số Facebooker mới đây đã bới móc đời tư của người khác, đụng chạm đến phẩm giá của nhiều người nhưng chẳng thấy biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào từ cơ quan chức năng.
Tưởng chửi người trong nước với nhau như thế đã là quá lắm, còn bây giờ, một số người Việt đã chửi xuyên biên giới rồi.
Suy cho cùng, bóng đá cũng chỉ là trò giải trí thôi mà, có nhất thiết phải phơi bày tật xấu của người Việt ra cho cả thế giới biết như vậy không?