Duy trì kỉ luật để đạt được mục tiêu giáo dục hướng nghiệp
Chỉ đạo là quá trình tác động đến các cá nhân và tập thể làm nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp sao cho họ cố gắng một cách tự giác và hăng hái thực hiện mục tiêu chung của giáo dục hướng nghiệp. Chức năng chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng trong chu trình quản lí giáo dục hướng nghiệp.
Thực hiện nghiêm túc chức năng chỉ đạo, cán bộ quản lí hướng nghiệp duy trì được kỉ luật, kỉ cương của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, của cán bộ và giáo viên ở cơ sở giáo dục trong việc thực thi các nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp.
Thông qua việc thực hiện chức năng chỉ đạo, cán bộ quản lí hướng nghiệp hướng dẫn, thuyết phục, khích lệ và động viên được cán bộ, giáo viên và các tác nhân hướng nghiệp khác. Mục đích nhằm phát huy cao độ khả năng của bản thân để đạt được mục tiêu giáo dục hướng nghiệp một cách tối ưu.
Phối hợp được với các tác nhân hướng nghiệp, các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả giáo dục hướng nghiệp.
Từ những vai trò chủ yếu của chức năng chỉ đạo cho thấy, nếu chỉ tập trung làm tốt chức năng kế hoạch hóa, chức năng tổ chức mà buông lơi chức năng chỉ đạo thì cũng khó có thể đạt được mục tiêu giáo dục hướng nghiệp.
Cán bộ quản lí hướng nghiệp có phát huy tối đa vai trò của mình hay không? Năng lực quản lí hướng nghiệp của mỗi cán bộ quản lí hướng nghiệp như thế nào? Trách nhiệm của cán bộ quản lí hướng nghiệp đối với giáo dục hướng nghiệp đến mức nào? Sự nhạy bén cũng như nghệ thuật quản lí của cán bộ quản lí hướng nghiệp ra sao?... Những điều này được thể hiện rất rõ qua việc thực hiện chức năng chỉ đạo.
Các nội dung cơ bản khi thực hiện chức năng chỉ đạo giáo dục hướng nghiệp đó là sử dụng quyền hạn để thực hiện quyền chỉ huy và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp. Đồng thời, đôn đốc, động viên, khích lệ mọi người thực hiện nhiệm vụ hướng nghiệp đã được giao.
Giám sát, sửa chữa và hỗ trợ mọi đối tượng quản lý thực hiện các nhiệm vụ đã được giao. Ra các quyết định quản lý và thúc đẩy các hoạt động hướng nghiệp phát triển.
Chuyên gia lưu ý rằng, nội dung cơ bản ra quyết định quản lý trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục hướng nghiệp, có nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Nếu cán bộ quản lí hướng nghiệp không phát hiện để giải quyết kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng và trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.
Do vậy, cán bộ quản lí hướng nghiệp phải luôn quan tâm tới việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới để phát hiện vấn đề nảy sinh và ra quyết định quản lí kịp thời. Việc ra quyết định là trọng tâm và luôn song hành trong quá trình cán bộ quản lí hướng nghiệp thực hiện chức năng chỉ đạo.
Ra quyết định quản lý là gì?
Chuyên gia cho biết, ra quyết định quản lý được hiểu là quá trình xác định vấn đề và lựa chọn phương án hành động thích hợp để giải quyết vấn đề.
Ví dụ, trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phương pháp dạy học chủ đạo là phương pháp trực quan bằng băng và đĩa hình về thế giới nghề nghiệp, về hệ thống Giáo dục và Đào tạo… kết hợp với tổ chức tọa đàm, thảo luận và dạy học hợp tác. Nhưng thời lượng dành cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp hiện nay chỉ còn 9 tiết/ năm học, các trường lại không có băng, đĩa hình về hướng nghiệp. Đây là một vấn đề cần phải giải quyết. Trách nhiệm của cán bộ quản lí hướng nghiệp là ra quyết định quản lí để giải quyết vấn đề này.
Trong quản lí hướng nghiệp, cán bộ quản lí hướng nghiệp nên sử dụng quyết định dựa trên cơ sở nghiên cứu và phân tích hệ thống vấn đề. Các giải pháp thực hiện quyết định được đưa ra trên cơ sở so sánh có căn cứ khoa học. Phương án quyết định là phương án hợp lý và có hiệu quả nhất.
Để có phương thức tác động hiệu quả, cán bộ quản lí hướng nghiệp cần phải có năng lực phẩm chất phù hợp với nhiệm vụ được giao. Đồng thời biết vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp quản lí. Biết lựa chọn, sử dụng phong cách và công cụ quản lí phù hợp. Đồng thời, từng bước tạo lập và hoàn thiện nghệ thuật quản lí cho bản thân.
Các chuyên gia lưu ý, cần chỉ đạo một cách thường xuyên và sát sao là một trong những yếu tố thúc đẩy mọi người làm nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp đúng tiến độ và yêu cầu. Chỉ đạo giáo dục hướng nghiệp một cách toàn diện trên hai phương diện: nhận thức và hành vi. Luôn coi trọng động cơ và nhu cầu của các tác nhân hướng nghiệp trong quá trình chỉ đạo.
Bên cạnh đó, cần quan tâm động viên, khích lệ cán bộ và giáo viên bằng vật chất và tinh thần để họ phát huy hết khả năng của mình trong quá trình làm nhiệm vụ hướng nghiệp. Vận dụng phong cách lãnh đạo một cách linh hoạt, phù hợp với năng lực bản thân và các tác nhân hướng nghiệp.