Xác định nhu cầu được tham gia từng hình thức hướng nghiệp
Các hoạt động hướng nghiệp được đưa vào kế hoạch giáo dục hướng nghiệp có được các giáo viên và học sinh ủng hộ thực hiện hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phù hợp giữa các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra với nhu cầu của giáo viên và học sinh ở các cơ sở giáo dục.
Vì vậy, trước khi lập kế hoạch giáo dục hướng nghiệp, cán bộ quản lí hướng nghiệp cần xác định nhu cầu được tham gia từng hình thức hướng nghiệp và nhu cầu được cung cấp từng loại hình dịch vụ hướng nghiệp của học sinh;
Đối với cấp quản lí như Sở và Phòng GDĐT cũng cần xác định nhu cầu, khả năng tổ chức các hoạt động hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Có thể xác định nhu cầu bằng nhiều cách khác nhau như làm phiếu hỏi, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các trường, giáo viên và học sinh, tọa đàm, hội thảo…
Ví dụ: Xác định nhu cầu hướng nghiệp: Dựa vào lí thuyết mô hình “Cung cấp dịch vụ hướng nghiệp”, cán bộ quản lí hướng nghiệp của trường THPT X làm phiếu hỏi với 4 nội dung: Nhu cầu được cung cấp thông tin hướng nghiệp; Nhu cầu được tham gia các hình thức hướng nghiệp; Nhu cầu được hướng dẫn tìm hiểu sâu về hướng nghiệp; Nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp.
Từ thông tin thu thập được, cán bộ quản lí hướng nghiệp của trường THPT X phân tích các nhu cầu và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện kế hoạch giáo dục hướng nghiệp cho phù hợp.
Xác định nhu cầu học nghề phổ thông của học sinh trong trường: Cán bộ quản lí hướng nghiệp tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh để biết được tỉ lệ học sinh có nhu cầu học các nghề khác nhau như: nghề cắt may, nghề nấu ăn, nghề làm vườn, nghề tin học, nghề điện dân dụng…
Nội dung các nghề và phương pháp tiến hành có cần thay đổi gì? Từ đó, xác định những nghề cần tổ chức dạy cho học sinh, những nghề không nên tiếp tục tổ chức và những thay đổi nếu có trong dạy nghề phổ thông.
Cán bộ quản lí hướng nghiệp có thể dùng phiếu hỏi hoặc tổ chức tọa đàm, trao đổi để biết được các nhu cầu của giáo viên phụ trách hướng nghiệp như nhu cầu tập huấn về tích hợp giáo dục hướng nghiệp vào môn văn hóa; Nhu cầu được bồi dưỡng theo hình thức chuyên đề về hoạt động giáo dục hướng nghiệp và hoạt động giáo dục nghề phổ thông; Nhu cầu được tập huấn về kĩ năng tư vấn hướng nghiệp … Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên phụ trách các hoạt động hướng nghiệp.
Xác định các nguồn lực cần thiết để giáo dục hướng nghiệp
Thực hiện bước này nhằm đảm bảo chắc chắn các nguồn lực cần và đủ cho mỗi hình thức, hoạt động giáo dục hướng nghiệp, từ đó đảm bảo kế hoạch giáo dục hướng nghiệp mang tính khả thi và đạt được mục tiêu đã xác định.
Không có điều kiện về các nguồn lực thì mục tiêu và kế hoạch đặt ra dù có hay đến mức nào cũng không thể thực hiện được. Việc xác định điều kiện về các nguồn lực hiện có và có thể có càng chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì càng giúp cho cán bộ quản lí hướng nghiệp nhìn thấy những thuận lợi, khó khăn cũng như khả năng và biện pháp thực hiện rõ ràng bấy nhiêu. Đồng thời, nó đảm bảo cho kế hoạch đặt ra phù hợp với thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục.
Khi xác định các nguồn lực giáo dục hướng nghiệp, cán bộ quản lí hướng nghiệp có thể sử dụng công thức 5 M. Đó là nguồn nhân lực thực hiện giáo dục hướng nghiệp(Man); Nguồn tài chính cho giáo dục hướng nghiệp (Money); Nguồn nguyên vật liệu, tài liệu cho giáo dục hướng nghiệp (Material); Máy móc, thiết bị cho giáo dục hướng nghiệp (Machine); Phương pháp giáo dục hướng nghiệp (Method).
Sau khi xác định được các nguồn lực cần có cho giáo dục hướng nghiệp, cần đối chiếu với nguồn lực hiện có của cơ sở giáo dục để bổ sung hoặc điều chỉnh kế hoạch giáo dục hướng nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Ví dụ: Năm học 2013- 2014, nhà trường sẽ có 8 lớp 11 với số học sinh là 350 em. Căn cứ vào kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của học sinh và khả năng của nhà trường, trường dự định sẽ mở 2 lớp nghề điện dân dụng; 2 lớp nghề cắt may; 2 lớp nghề nấu ăn; 2 lớp nghề tin học; 1 lớp nghề mộc; 1 lớp nghề trồng rừng; 1 lớp nghề làm vườn.
Từ dự định này, cán bộ quản lí giáo dục hướng nghiệp của nhà trường sẽ sử dụng công thức 5 M để tính toán số giáo viên dạy nghề phổ thông, nguồn kinh phí cho dạy nghề phổ thông, tài liệu, thiết bị và máy móc cần có cho từng nghề phổ thông và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục nghề phổ thông cho phù hợp với điều kiện của trường.