“Chuẩn mực” và thẻ xanh

GD&TĐ - Từ đầu năm 2021, Israel đã đưa thẻ xanh Covid-19 vào hoạt động và trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác trên thế giới.

“Chuẩn mực” và thẻ xanh

Được giới thiệu lần đầu tiên tại Israel, thẻ xanh Covid-19, với nhiều tên gọi khác nhau như hộ chiếu Covid-19, thẻ sức khoẻ… là tài liệu điện tử hoặc bằng giấy chứng minh chủ sở hữu đã tiêm vắc-xin Coivd-19, đã bình phục sau khi nhiễm hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Với phiên bản điện tử, thẻ xanh Covid-19 hoạt động dưới dạng mã QR, được tích hợp trong thiết bị di động của chủ sở hữu.

Từ đầu năm 2021, Israel đã đưa thẻ xanh Covid-19 vào hoạt động và trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác trên thế giới. Người sở hữu thẻ xanh được phép tham gia các sự kiện đông người hoặc hoạt động công cộng như phòng gym, nhà hàng, quán bar.

Nhờ đó, thẻ xanh Covid-19 đã thúc đẩy người dân trên 12 tuổi tại Israel tham gia tiêm chủng. Quốc gia này cũng là một trong những nước triển khai tiêm chủng sớm và thành công nhất thế giới.

Nước này đã ngừng triển khai thẻ xanh vào tháng 6 khi số ca nhiễm giảm, các biện pháp phòng, chống Covid-19 dần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, đến tháng 7 do đợt bùng phát của biến chủng Delta, Israel đã tái áp dụng quy định trên. Chính phủ nước này mới đây cho biết, sẽ không cấp thẻ xanh cho những người không tiêm mũi tăng cường.

Trong phạm vi Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Italy… đã cấp thẻ xanh Covid-19 đồng bộ hóa với thẻ của EU. Từ đó, người dân trong khối có thể thuận lợi di chuyển giữa những quốc gia cho phép sử dụng thẻ xanh.

Tuy nhiên, thẻ xanh Covid-19 chỉ cấp cho những người đã tiêm vắc-xin do Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt như Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Hoặc những người nhiễm bệnh đã bình phục, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong thời gian gần đây.

Một số quốc gia thử sử dụng thẻ xanh nhưng không thành công. Đơn cử, tại Tây Ban Nha, chính quyền một số bang muốn đưa thẻ vào hoạt động song tòa án cấp cao từ chối. Tại Thuỵ. Điển, công dân EU có thể sử dụng thẻ xanh Covid-19 để di chuyển nhưng không được tham gia các hoạt động, sự kiện vì quốc gia này muốn mở cửa cùng lúc cho tất cả mọi người.

Tại Campuchia, quốc gia là “hiện tượng tiêm chủng” của Đông Nam Á, người dân đã tiêm chủng sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng thẻ nhựa cứng do Viện Khoa học Y tế sản xuất. Khoảng 800.000 thẻ đã được phát cho người dân để dễ dàng kiểm soát lịch sử đi lại và dịch tễ.

Trong khi đó, Mỹ bác bỏ phương án thẻ xanh Covid-19 do muốn bảo vệ quyền công dân và sự riêng tư. Tại một số bang, người dân vẫn cần cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng trước khi tham gia các hoạt động có tính xã hội.

Anh, một trong những quốc gia ứng dụng thẻ xanh Covid-19, nay cũng tuyên bố huỷ kế hoạch. Chính phủ nước này giải thích tỷ lệ tiêm vắc-xin quốc gia đạt mức cao nên động thái này là không cần thiết.

Tại Australia, những người đã tiêm chủng được cấp giấy chứng nhận điện tử trên thiết bị di động nhưng không có đặc quyền đi kèm.

Mặc dù, được triển khai tại nhiều quốc gia, tính hiệu quả của thẻ xanh Covid-19 vẫn chưa được kiểm chứng. Ngay cả những quốc gia như Israel đã ứng dụng thẻ xanh được gần 6 tháng, con số này vẫn chưa thể nói lên điều gì bởi diễn biến của dịch Covid-19 và biến chủng của nó là rất phức tạp.

Sự lây nhiễm vẫn có thể xảy ra khi người dân đã tiêm chủng. Tuy nhiên, hành động của những quốc gia đi tiên phong có thể là bài học hữu ích cho phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ