Bất bình đẳng từ “thẻ xanh” Covid-19?

GD&TĐ - Tại Israel, cuộc sống chưa thể trở lại bình thường như trước đại dịch Covid-19 nhưng dấu hiệu của sự khôi phục đang dần len lỏi khắp đất nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các trung tâm mua sắm, bảo tàng, quán ăn, khách sạn, phòng tập gym đang mở cửa trở lại và chỉ phục vụ một số người sở hữu “thẻ xanh”.

Với hơn 55% dân số, tương ứng với khoảng 5 triệu người, đã tiêm hai liều vắc-xin, Israel tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Những người đã được tiêm chủng và những người đã khỏi Covid-19 được Bộ Y tế Israel cấp thẻ xanh. Nó có hai phiên bản là thẻ cứng hoặc bản mềm được lưu trữ trong điện thoại. 

Khi tham gia các hoạt động đông người như đến nhà hàng, phòng tập, đi xem phim, người dân phải “xuất trình” thẻ xanh để nhân viên kiểm tra hoặc quét mã vạch. Những người không có thẻ xanh có thể phải ngồi ngoài đường hoặc bị từ chối cho phép tham gia các hoạt động đông người.

Nhìn chung, tấm thẻ này giúp người dân tiếp cận các hoạt động xã hội thường nhật nhưng phải tạm đóng cửa một năm qua vì giãn cách xã hội và phong tỏa.

Sáng kiến thẻ xanh đã mang lại những giá trị tích cực trong xã hội Israel. Nếu muốn đến phòng tập hay cùng bạn bè ăn tối, dạo bước dưới đường phố, người dân cần có thẻ xanh. Và cách duy nhất để sở hữu tấm thẻ giá trị này là tiêm vắc-xin. Từ đó, khuyến khích người dân chủ động tham gia tiêm chủng để được hưởng quyền lợi trong thời gian phong tỏa, giãn cách.

Ngoài ra, thẻ xanh là “kênh truyền thông” về sự an toàn khi tiêm vắc-xin. Nếu ngày càng nhiều người dân được cấp thẻ xanh, số còn lại sẽ cảm thấy an toàn hơn khi tham gia tiêm chủng. Những tuyên bố của chính phủ các nước về lợi ích của việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể không có sức thuyết phục bằng số lượng lớn người dân tham gia tiêm chủng. Thẻ xanh giúp tạo nên động lực xã hội.

Tuy nhiên, thẻ xanh cũng tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội vì nó chia cộng đồng thành hai nhóm người, người đã tiêm vắc-xin và người chưa tiêm. Những người chưa tiêm, không có thẻ xanh có thể phải chịu cảnh bị xa lánh, bị kỳ thị, thậm chí là bị đe dọa. Họ cũng bị cung cấp thông tin cá nhân cho chính quyền để địa phương thúc giục hoặc vận động tham gia tiêm vắc-xin.

Nếu việc cấp thẻ xanh được các quốc gia trên thế giới hưởng ứng, nó sẽ trở thành “hộ chiếu xanh”. Những người sở hữu tấm hộ chiếu mới này có thể du lịch xuyên quốc gia, không phải tuân theo quy định cách ly hay gặp những rào cản về phong tỏa và giãn cách xã hội. Nhưng việc tiêm vắc-xin chưa phải là cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.

Tính đến giữa tháng 3, thế giới có hơn 354 triệu người đã tiêm chủng ngừa Covid-19, tập trung ở các quốc gia như Israel, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Anh nhờ lợi thế quy mô dân số thấp, có điều kiện kinh tế hoặc tự phát triển được vắc-xin.

Israel đang bị quốc tế đặt câu hỏi về chiến dịch tiêm chủng của mình. Vào giữa tháng 2, nước nay thông báo chỉ tiêm chủng cho những người Palestine thường ra vào Israel hoặc khu người Do Thái để làm việc. Trong khi ngày càng nhiều người Israel được hưởng thẻ xanh, người Palestine bên Bờ Tây và dải Gaza có lẽ phải tiếp tục tuân thủ quy định phòng dịch nghiêm ngặt trong vài tháng nữa.

Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển, kém phát triển đang bị tụt hậu so với những quốc gia giàu có hơn trong việc triển khai tiêm chủng hàng loạt. Như vậy, người dân tại những quốc gia giàu có hơn sẽ là những người đầu tiên được hưởng đặc quyền từ hộ chiếu xanh.

Điều này sẽ tạo nên sự bất bình đẳng về quyền tự do đi lại, đồng thời đẩy cuộc đua tìm mua vắc-xin ngừa Covid-19 trên thế giới trở nên khốc liệt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.