Thuận lợi song hành thách thức
Thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai) cho biết giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS) cơ bản đạt chuẩn đào tạo theo cấp học, có hiểu biết sâu sắc về truyền thống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa vùng DTTS.
Hơn thế, không chỉ hiểu biết về dân tộc mình họ còn am hiểu nhất định về văn hóa truyền thống các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam do sinh ra và lớn lên được tiếp cận gần với dân tộc khác. Từ sự hiểu biết này giúp họ rất nhiều trong công tác việc dạy học.
Song trình độ đào tạo ban đầu của giáo viên người DTTS với phương thức tuyển sinh sư phạm khá khác nhau. Ví như, để đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên toàn quốc, ở vùng DTTS có nhiều hình thức đào tạo như cấp tốc, cắm bản các hệ đào tạo 5+3 tháng, 9+3 tháng; 12+6 tháng.
Và trong thực tế, nhiều giáo viên xuất phát đào tạo ban đầu tốt nhưng với khả năng tự học tốt, có ý chí phấn đấu vươn lên trong chuyên môn nghiệp vụ… đã đạt trình độ cao, trở thành giáo viên giỏi. Tuy nhiên, nhìn chung trình độ đào tạo ban đầu, đặc biệt với giáo viên DTTS bậc tiểu học chưa cao. Để hoàn thành sứ mệnh giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục căn bản toàn diện của đội ngũ giáo viên DTTS còn khó khăn nhất định.
Tại Trường PTDBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng song chất lượng chuyên môn chưa đồng đều. Với trên 40% giáo viên thuộc DTTS âm ngữ giao tiếp, giảng dạy của giáo viên còn ngọng chưa thể khắc phục dù nhà trường luôn ý thức nhắc nhở, động viên giáo viên khắc phục. Bên cạnh đó, trường đã lên kế hoạch phù hợp nhất để bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên DTTS nhằm đáp ứng việc dạy học và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới hiệu quả.
Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ, Hà Giang), người gắn bó gần 30 năm với giáo dục vùng DTTS cũng chỉ ra những rào cản trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên DTTS đó và miền núi địa hình hiểm trở, với khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, dân cư thưa thớt nên các lớp điểm lẻ thường cách xa điểm trường chính và trung tâm.
Đội ngũ giáo viên DTTS có nhiều thế mạnh trong dạy học sinh DTTS. Ảnh: Đức Trí |
Giáo viên DTTS đảm trách những lớp học điểm lẻ này cũng bị hạn chế ít nhiều đến việc tự bồi dưỡng nâng cao năng chuyên môn.Các điều kiện để giáo viên tự bồi dưỡng còn hạn chế (mạng internet, sách báo, các khóa học bồi dưỡng ngắn ngày do trung tâm đào tạo…).
Theo thầy Hòa, để có mặt bằng chất lượng giáo dục tiểu học ở vùng DTTS ngang với miền xuôi thì nhất định phải chiến lược bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên DTTS bậc tiểu học…
Giải “bài toán” giáo viên dân tộc thiểu số
TS Trần Thị Yên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ giáo viên tiểu học người DTTS cần được đào tạo nâng chuẩn, đồng thời căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp để đào tạo phù hợp, tương xứng.
Các trường sư phạm cần nghiên cứu đưa vào nội dung, chương trình đào tạo đặc thù. Nội dung đào tạo đối với giáo viên dạy vùng DTTS trong các trường sư phạm cần phản ánh những vấn đề trong mối liên hệ với thực tiễn giáo dục ở từng vùng, tiểu vùng DTTS. Cần đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học công tác ở vùng DTTS đủ kiến thức, năng lực thực hiện giảng dạy được nội dung các loại sách giáo khoa cho học sinh DTTS…
Phương pháp và hình thức đào tạo cần gắn với các nhà trường và tăng thực hành trong các nhà trường. Vì đối tượng giáo viên người DTTS được đào tạo là những giáo viên đang thực hiện giảng dạy ở các nhà trường tiểu học, do đó thời gian đào tạo cũng cần đặc biệt quan tâm với hình thức phù hợp.
Quản lý các trường dạy học sinh DTTS cũng mong muốn việc bồi dưỡng cần quan tâm về dạy học tích hợp ở một số môn học như tiếng Việt, tiếng dân tộc, văn hóa dân tộc, dạy học trong môi trường đa văn hóa. Cần bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn; bồi dưỡng kiến thức về tâm lí học sư phạm, chú trọng tâm lí lứa tuổi trong đó quan tâm đến tâm lí của học sinh người DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Phương pháp hình thức bồi dưỡng hiệu quả nhất đối với giáo viên người DTTS đó là “nghiên cứu bài học”, đây là hình thức bồi dưỡng tại chỗ theo đơn vị trường học lấy đơn vị tập thể sư phạm từng trường tiểu học làm nòng cốt như là “tế bào” đơn vị thao tác của hoạt động bồi dưỡng giáo viên…
Dạy học sinh DTTS đòi hỏi sự yêu nghề, thấu hiểu, kiên nhẫn của mỗi giáo viên. Ảnh: Đức Trí |
Theo thầy Dương Văn Đông, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang) việc bồi dưỡng kèm cặp theo hình thức rèn nghề cũng cần thiết, hiệu quả. Có thể áp dụng với giáo viên mới ra trường, những giáo viên đang dạy học nhưng còn yếu chuyên môn.
Với giải pháp này, tại trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long, Ban giám hiệu sẽ phân công giáo viên cốt cán có tay nghề vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn cao trực tiếp hướng dẫn từ việc soạn bài đến việc lên lớp. Tạo điều kiện cho giáo viên dự giờ các giáo viên dạy giỏi và nghe tổ chuyên môn, đồng nghiệp góp ý rút kinh nghiệm. Dự giờ, và đóng góp ý kiến hoàn toàn trên tinh thần xây dựng, hỗ trợ không nhằm đánh giá vào thi đua…
Tuy nhiên, trong điều kiện chung còn khó khăn, thầy Đông cho rằng đội ngũ giáo viên DTTS để đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì cần chủ động, tích cực thực hiện tự bồi dưỡng. Như vậy sẽ chiếm lĩnh được tri thức và có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề khúc mắc trong công tác giảng dạy của bản thân
Giải pháp bồi dưỡng theo phương pháp từ xa cũng đối với đội ngũ giáo viên DTTS cũng có tác dụng nhất định. Đây không chỉ là phương thức bồi dưỡng ít tốn kém mà còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh tự học của giáo viên vùng dân tộc. Tất nhiên, để triển khai các trường và giáo viên cần tính đến những vùng và tiểu vùng còn khó khăn, hệ thống thông tin và điện lưới chưa ổn định….