Hội thảo tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục ĐH; chuyên gia đại diện lãnh đạo các trung tâm kiểm định chất lượng và 350 kiểm định viên trên toàn quốc.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, từ khi có Luật Giáo dục ĐH; nhất là từ sau khi có Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH…, công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành cho công tác này ngày càng hoàn thiện; trong đó 2 thông tư trung tâm là Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH.
Đặc biệt, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Đây là căn cứ để Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện đến các cơ sở giáo dục ĐH, các trung tâm kiểm định. Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch từ nay đến năm 2025; trong đó lưu ý các trung tâm kiểm định, các cơ sở giáo dục ĐH chủ động triển khai Quyết định số 78 của Thủ tướng Chính phủ.
Cục trưởng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội thảo tập huấn. |
Về tổ chức thực hiện, hiện nay Việt Nam có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 10 tổ chức kiểm định nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận hoạt động.
Tính đến 30/4/2024, cả nước có 1.773 chương trình đào tạo được kiểm định; trong đó 519 chương trình được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài. Có 201 cơ sở giáo dục ĐH đã được kiểm định chu kỳ 1, một số cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định chu kỳ 2, trong đó có 10 cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Việc ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tham gia kiểm định nước ngoài, được công nhận là sự ghi nhận nỗ lực của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và đang đi đúng theo kế hoạch đảm bảo, kiểm định chất lượng giáo dục ĐH của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 78/QĐ-TTg.
Song hành tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm tra, giám sát được quan tâm. Cụ thể, quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ĐH và CĐ sư phạm có Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT ngày 26/6/2023; quy định về kiểm định viên giáo dục ĐH và CĐ sư phạm có Thông tư số 14/2022/TT-BGDĐT ngày 10/10/2022.
"Kiểm định viên có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của đoàn đánh giá ngoài, tư vấn cải tiến chất lượng cho nhà trường. Tính đến hiện tại, mới có hơn 30% chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH và 82% cơ sở giáo dục được kiểm định, trong khi số lượng kiểm định viên hiện còn ít.
Vì vậy Cục Quản lý chất lượng mong muốn bổ sung đội ngũ kiểm định viên thông qua việc tổ chức sát hạch và nâng cao chất lượng kiểm định viên thông qua việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực kiểm định viên trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các tổ chức kiểm định và cơ sở giáo dục ĐH", Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cũng nhấn mạnh thêm.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo tập huấn. |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Chuẩn cơ sở giáo ĐH là không mới. Trước đây chúng ta đã có chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục ĐH (Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT ngày 23/9/2015). Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ĐH rất đa dạng, nên rất khó nếu xét theo chuẩn quốc gia. Hiện nay, chuẩn cơ sở giáo dục ĐH được ban hành quy định những yêu cầu tối thiểu mà các cơ sở giáo dục ĐH phải tuân thủ, đáp ứng.
Chia sẻ về mục đích của chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, theo Thứ trưởng, đầu tiên là để sắp xếp, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH. Tập trung vào thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống; xem cơ sở nào thực hiện chất lượng, hiệu quả, nếu không bảo đảm chất lượng, hiệu quả thì phải sắp xếp, tổ chức lại. Vì vậy mà chuẩn cơ sở giáo dục ĐH có những tiêu chí, chỉ số rất cụ thể để tiến hành việc này.
Khi có chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, chuẩn chương trình đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các thông tư theo hướng đơn giản hóa, nâng cao quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH theo đúng quy định của Luật. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa, thuận lợi cho quản lý nhà nước, cho các trường đại học, cho các trung tâm kiểm định và cho cả kiểm định viên.
Khi xây dựng bộ chuẩn, Bộ GD&ĐT quan niệm rằng, bộ tiêu chuẩn chung thì nên giữ nguyên, còn đặc thù của từng cơ sở giáo dục đại học, của từng trường thì sẽ được quy định trong bộ chuẩn này. Việc thực hiện tốt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH sẽ làm cho công tác kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài đơn giản hơn và đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống.
Thứ trưởng cho biết: Bộ chuẩn ban hành sẽ có nhiều tác động trong hệ thống và muốn sử dụng thực sự hiệu quả cần phải hiểu thật sự thấu đáo. Bên cạnh những tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính định tính thì cũng cần phải có những yêu cầu tối thiểu, mang tính định lượng.
Khi ban hành bộ chuẩn này, Bộ GD&ĐT cũng đã có quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, qua các diễn đàn, các cơ sở giáo dục đại học. Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi xây dựng Thông tư, Nghị định không phải tập trung khía cạnh để quản lý mà định hướng hỗ trợ nhiều hơn.
Thứ trưởng hy vọng các đại biểu tham dự Hội thảo cùng các trung tâm kiểm định, các kiểm định viên sẽ trao đổi thẳng thắn, làm rõ các nội dung, băn khoăn để thực hiện công việc hiệu quả.
Hội thảo tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. |
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Giáo dục ĐH, chuyên gia giới thiệu, làm rõ các vấn đề xung quanh Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5/2/2024 ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH; Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; đối sánh các tiêu chuẩn, tiêu chí 2 Thông tư này; trao đổi, thảo luận giữa chuyên gia, kiểm định viên và Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan.